Kháng cáo cũng đồng nghĩa với chống án mà trước đây và hiện nay một số người vẫn thường dùng. Tuy nhiên, Bộ Luật Tố tụng hình sự 2003 không dùng từ chống án nên trong các văn bản có tính chất pháp lý chỉ sử dụng từ kháng cáo. Có thể hiểu kháng cáo là chống án lên tòa án cấp trên yêu cầu xét xử lại.
Theo quy định tại điều 231 Bộ Luật Tố tụng hình sự 2003 thì những người sau đây có quyền kháng cáo:
+ Bị cáo và người đại diện hợp pháp của họ.
+ Người bị hại và người đại diện hợp pháp của họ.
+ Người bào chữa hoặc người bảo vệ quyền lợi cho bị cáo là người chưa thành niên hoặc là người có nhược điểm về thể chất hoặc tinh thần.
+ Nguyên đơn dân sự và người đại diện hợp pháp của họ.
+ Bị đơn dân sự và người đại diện hợp pháp của họ.
+ Người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến vụ án và người đại diện hợp pháp của họ.
Trong số những người có quyền kháng cáo, phạm vi quyền kháng cáo của họ tùy thuộc vào địa vị pháp lý của mỗi người khi tham gia tố tụng. Ví dụ, bị cáo có quyền kháng cáo toàn bộ bản án, nhưng những người có quyền và nghĩa vụ liên quan chỉ được kháng cáo những quyết định có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ.
Cũng cần lưu ý thêm về thời hạn kháng cáo. Theo quy định tại điều 234 Bộ Luật Tố tụng hình sự, thời hạn kháng cáo của những người tham gia tố tụng và đại diện hợp pháp cho họ được quy định như sau:
+ Đối với những người có mặt tại phiên tòa là 15 ngày kể từ ngày tuyên án.
+ Đối với những người vắng mặt tại phiên tòa là 15 ngày kể từ ngày bản án được giao cho họ hoặc được niêm yết.
Thời hạn kháng cáo trên là đối với bản án sơ thẩm, riêng đối với quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án của tòa án cấp sơ thẩm thì thời hạn kháng cáo là 7 ngày kể từ ngày nhận quyết định.