HÌNH THỨC XỬ PHẠT TỘI XÚC PHẠM DANH DỰ, NHÂN PHẨM

Mức xử phạt hành vi vi phạm hành chính đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm được pháp luật quy định thế nào ? Luật Nhân Hòa tư vấn pháp luật dân sự về vấn đề xử phạt đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác và những vấn đề pháp lý khác có liên quan:

Quy định về Tội làm nhục người khác.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, Tội làm nhục người khác hiện nay được quy định tại Điều 155 Bộ luật hình sự năm 2015. Theo đó, nếu một người có hành vi xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của một người khác thì tùy vào mức độ nguy hiểm của hành vi, các tình tiết của vụ việc mà họ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt nhẹ nhất là cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ và nặng nhất là có thể bị xử phạt đến 05 năm tù. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 đến 05 năm.

Trên cơ sở quy định tại Điều 155 Bộ luật hình sự năm 2015 được xác định ở trên, có thể thấy, một người có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác nếu đáp ứng đầy đủ các dấu hiệu của cấu thành tội này như sau:

  • Về mặt khách quan:

Hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác, như đã phân tích, được xác định là hành vi dùng lời nói, hành động tác động đến đến danh dự, nhân phẩm của một người, hạ thấp, chà đạp lên phẩm giá, giá trị của người khác. Hành vi này có thể được thể hiện bằng lời nói như: thóa mạ, chửi bới một cách thậm tệ, thô tục, tục tĩu hoặc thể hiện bằng hành động mang tính chất bỉ ổi, hèn hạ, ví dụ như dúi đầu, bắt người khác liếm giày cho mình, ép người khác ăn cơm bị thiu… nhằm mục đích hạ nhục người này trước người khác, hạ thấp nhân cách, danh dự của người này.

Mặc dù hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác được diễn ra ở nhiều hình thái khác nhau, đối tượng tác động cũng như mức độ tác động đối với người bị xúc phạm có thể khác nhau, tuy nhiên, căn cứ theo quy định tại Điều 155 Bộ luật hình sự năm 2015 thì chỉ có những hành vi xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của người khác mà có tính chất “nghiêm trọng”. Tính chất “nghiêm trọng”, theo từ điển Tiếng Việt được hiểu là tính chất tồi tệ, xấu đến mức trầm trọng, có thể dẫn đến những hậu quả hết sức tai hại. Do vậy, có thể hiểu hành vi xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm được hiểu là những hành vi có tính chất xúc phạm rất lớn, có khả năng gây sát thương cao đối với danh dự, uy tín, lòng tự trọng, tự tôn, bản ngã của một người, có thể dẫn đến hậu quả không thể lường trước được, ví dụ làm người bị xúc phạm tức giận dẫn đến cố ý gây thương tích, hoặc tự sát, hoặc ảnh hưởng đến cuộc sống của người bị xúc phạm.

Trên thực tế, có những lời nói, hành vi đối với người này mang ý nghĩa xúc phạm nhưng đối với người khác thì lại được đánh giá không hẳn là xúc phạm, xem xét như một lời nói như bình thường. Ví dụ, một người chửi mắng một người khác là “đồ chó, đồ con chó”. Có thể đối với người này, lời nói này đang xúc phạm khi so sánh họ như con vật nhỏ bé, hèn mọn, thường biểu hiện tính cách xấu xa, nhưng có thể với một người khác nó như là một lời nói đùa, thậm chí coi đó là một cách gọi “thân mật” của bạn bè.

Tuy nhiên, nhìn chung những lời nói, hay hành vi xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm mà có thể bị truy cứu về Tội làm nhục người khác đều được đánh giá có tính chất xúc phạm với hầu hết người bị tác động và việc xúc phạm này khiến cho danh dự, nhân phẩm của người bị xúc phạm bị hạ thấp, gây nên những tổn thương lớn đến tinh thần và cảm xúc của họ. Do vậy, khi xem xét về việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của người khác thì cần phải xem xét đến mức độ thực hiện hành vi, phương thức thực hiện hành vi và mức độ ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm cũng như cuộc sống của người bị xúc phạm để xác định; đồng thời phải kết hợp với ý thức chủ quan của người phạm tội, các yếu tố về hoàn cảnh sống, địa vị, nhận thức của người bị hại cũng như đánh giá của cộng đồng, dư luận xã hội.

  • Về mặt chủ quan:

Mặt chủ quan của tội phạm được hiểu là những diễn biến về tâm lý, tinh thần bên trong của tội phạm như mục đích phạm tội, động cơ phạm tội, lỗi. Có thể thấy, trong Tội làm nhục người khác, người phạm tội đang thực hiện hành vi  xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác với lỗi cố ý, tức là hoàn toàn nhận thức được hậu quả của hành vi của mình đối với người bị tác động như thế nào nhưng vẫn cố tình thực hiện và mong muốn điều đó xảy ra.

Động cơ phạm tội có thể xuất phát từ mâu thuẫn cá nhân, từ thù ghét cá nhân, do ngoại tình, tranh chấp nơi làm việc, trong cuộc sống.

  • Về khách thể:

Khách thể của Tội làm nhục người khác được xác định đó là “danh dự”, là “nhân phẩm” – những giá trị cao đẹp về nhân thân của một người, là cơ sở xác định nhân cách, phẩm giá của người đó.

  • Về chủ thể:

Căn cứ theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự năm 2015 về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thì có thể xác định, chủ thể bị truy cứu về Tội làm nhục người khác được xác định là những người đầy đủ năng lực hành vi dân sự và từ đủ 16 tuổi trở lên.

Trên đây là những yếu tố cấu thành nên Tội làm nhục người khác. Nếu một người có hành vi xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của người khác và đáp ứng đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm nêu trên thì họ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm nhục người khác. 

Ví dụ: Chị A sau nhiều lần theo dõi, “rình rập”, thì phát hiện anh T – chồng chị A có quan hệ bất chính với một cô gái tên B, và hai người này đã nhiều lần đi ăn uống, đi nhà nghỉ, khách sạn. Ngày 3/1/2018, phát hiện anh T và chị B đến nhà chị B để quan hệ bất chính,chị A đã cùng một số người anh chị em đã bố trí, “mai phục” và bắt quả tang tại trận. Chị A cùng với những người anh em của mình đánh, đập, túm tóc, lột quần, lột áo của chị B, “bêu rếu” cho người xung quanh được biết, đồng thời quay video tải lên mạng xã hội với những lời lẽ xúc phạm nghiêm trọng, như chửi “con đĩ”, “con phò”, “đồ súc sinh”…

Trường hợp này, mặc dù biết rằng hành vi của chị B là không đúng với pháp luật về hôn nhân và gia đình khi có quan hệ bất chính với người đã có vợ, cũng thông cảm cho tâm trạng và nỗi bức xúc, sự tức giận của người vợ – ở đây là chị A khi chứng kiến chồng phản bội, phụ tình, nhưng có thể thấy, hành vi của chị A, cùng chị em của mình là đang vi phạm pháp luật. Hành vi túm tóc, “lột” quần, lột áo chị B, quay video đăng lên mạng với những lời lẽ thóa mạ, xúc phạm đến chị B của chị A và người thân của chị A được xác định là những hành vi có tính chất xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của chị B, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền con người, khiến cho chị A trở nên nhục nhã, xấu hổ trước nhiều người, ảnh hưởng đến uy tín, phẩm giá, tâm lý và cuộc sống của chị A. Với tính chất có tổ chức, lại sử dụng mạng internet và tính chất nghiêm trọng của hành vi xúc phạm này, chị A và những người anh, chị em của chị A tham gia vào vụ việc này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Làm nhục người khác.

Những hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác nhưng chưa đến mức “nghiêm trọng”, không gây ảnh hưởng lớn, hay hậu quả nghiêm trọng đối với tinh thần, tâm lý, danh dự, nhân phẩm của người bị xúc phạm, ví dụ như, hành vi chửi mắng nhau qua lại giữa những người hàng xóm vì một chút bất đồng như nói người khác là “đồ điên”, “đồ trẻ ranh” mà không gây hậu quả nghiêm trọng thì trường hợp này, có thể không đáp ứng yếu tố cấu thành tội phạm để bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Làm nhục người khác. Trường hợp này, nếu không đủ yếu tố để bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì người thực hiện hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác vẫn có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP với mức hình phạt là phạt cảnh cáo, hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.

Như vậy, “danh dự” và “nhân phẩm” là những yếu tố về nhân thân của một người luôn được pháp luật ghi nhận và bảo vệ. Khi một người có hành vi xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của người khác thì họ đang thực hiện hành vi vi phạm pháp luật và phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Tùy vào từng mức độ vi phạm và hậu quả tác động đến danh dự, nhân phẩm cũng như cuộc sống của người bị hại, mà người có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị xử phạt hành chính.

Trên đây là một số chia sẻ của Luật sư, mọi yêu cầu hỗ trợ quý vị hãy liên hệ tổng đài tư vấn pháp luật 0915.27.05.27 của chúng tôi. Công ty luật Nhân Hòa chuyên dịch vụ luật sư uy tín, tin cậy đảm bảo giải quyết mọi vướng mắc bạn gặp phải.

Công ty Luật Nhân Hòa

Địa chỉ: 02 Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, Tp.HCM

Email: luatsunhanhoa@gmail.com

Hotline: 0915. 27.05.27

Trân trọng!

 

 


Bài viết xem thêm