ĐƯỢC XÂY NHÀ TRÊN ĐẤT NÔNG NGHIỆP?

Được xây nhà trên đất nông nghiệp? Đất nông nghiệp có được xây nhà không? Xây nhà trên đất nông nghiệp bị xử lý như thế nào?

Do nhu cầu xây dựng nhà, xây dựng công trình tăng cao, rất nhiều người dân sở hữu đất nông nghiệp hiện nay đang thắc mắc liệu có thể xây dựng nhà trên đất nông nghiệp được không? Để làm rõ giúp bạn câu hỏi này, sau đây Luật Nhân Hòa xin gửi đến bạn bài viết về quy định của pháp luật đối với việc có được xây dựng nhà trên đất nông nghiệp hay không như sau:

Thứ nhất, đất nông nghiệp là gì và mục đích sử dụng của đất nông nghiệp.

Đất nông nghiệp là đất được sử dụng trong các hoạt động sản xuất nông nghiệp như là trồng trọt, chăn nuôi, làm muối, nuôi trồng thủy sản… Về cụ thể khoản 1 Điều 10 Luật Đất đai 2013 quy định đất nông nghiệp bao gồm các loại đất sau:

– Đất trồng các cây lâu năm (cây ăn quả lâu năm, cây lấy gỗ..).

– Đất trồng cây hàng năm gồm: đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác như là ngô, mía, khoai, sắn, đậu đỗ…

– Đất rừng bao gồm có:

+ Đất rừng sản xuất: trồng các loại cây phục vụ sản xuất kinh doanh như là rừng thông, rừng keo, đất trồng cây lâm nghiệp có giá trị thu hoạch khác.

+ Đất rừng phòng hộ: rừng phòng hộ thường được thấy ở những nơi như là ở đầu nguồn các sông, suối, ở ven biển hoặc ở những vùng có nguy cơ sạt lở cao. Có tác dụng bảo vệ đời sống của con người khỏi những tác hại của thiên nhiên như là hạn chế tác haij của thiên tai, bão, lũ, lũ quét, sạt lở… 

+ Đất rừng đặc dụng: rừng đặc dụng là loại rừng có mang những nét đặc trưng riêng và mang tính chất bảo tồn tài nguyên, hay bảo tồn di tích của quốc gia như là rừng ngập măn, hay rừng trong các khu bảo tồn quốc gia, được quy hoạch để bảo tồn các nguồn tài nguyên đất, nước, động, thực vật, khoáng sản, phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học.

– Đất làm muối: là đất được dùng để sản xuất, thu hoạch muối.

– Đất nuôi trồng thủy sản: được sử dụng để phục vụ mục đích nuôi trồng thủy sản, có thể kể đến như là các trang trại nuôi trồng thủy sản như là nuồi trồng tôm, cá, hải sản nước mặn, nước ngọt đang ngày càng phát triển hiện nay.

– Đất nông nghiệp khác gồm:

+ Đất để xây dựng chuồng trại chăn nuôi các loại vật nuôi gia súc, gia cầm.

+ Đất để trồng cây cảnh, hoa cảnh.

+ Đất để thực hiện ươm tạo cây giống, con giống.

+ Đất để trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng các loại thủy sản để phục vụ mục đích nghiên cứu, học tập, làm thí nghiệm.

+ Đất để xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt, kể cả các hình thức trồng trọt không trực tiếp trên đất.

Thứ hai, đất nông nghiệp có xây nhà được không.

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 170 Luật đất đai năm 2013 quy định về nghĩa vụ chung của người sử dụng đất, người sử dụng đất phải có nghĩa vụ sử dụng đúng mục đích sử dụng của đất. Mục đích sử dụng đất được ghi rõ trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc các giấy tờ giao đất khác, người sử dụng đất không được làm trái với mục đích ghi trên các loại giấy tờ này.

Như vậy đất nông nghiệp được sử dụng với mục đích là để sản xuất nông nghiệp, mọi hoạt động sử dụng trái với mục đích sử dụng trên là không được phép, kể cả việc xây dựng nhà trên đất nông nghiệp.

Tương tự nếu muốn xây dựng nhà ở thì nhà này phải được xây dựng trên đất ở.

Để chuyển từ đất nông nghiệp sang đất ở người sử dụng đất cần phải làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Căn cứ theo quy định tại Điều 57 Luật Đất đai 2013 việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp, và cụ thể ở đây là đất để xây dựng nhà ở thì phải được sự cấp phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Đất được chuyển đổi mục đích sử dụng là đất có các giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất; phù hợp với kế hoạch sử dụng đất hàng năm và nhu cầu sử dụng đất thực tế; không nằm trong các quy hoạch không được chuyển đổi mục đích sử dụng đất ở địa phương; được cơ quan có thẩm quyền cho phép thực hiện chuyển đổi.

Hồ sơ xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất được nộp tại phòng đăng ký đất đai, phòng Tài nguyên môi trường cấp quận, huyện nơi có đất. Khi thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất thì người sử dụng đất phải thực hiện các nghĩa vụ nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật. Mức thu tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân được quy định tại Điều 5 Nghị định 45/2014/NĐ-CP, thông thường được tính bằng 50% mức chênh lệch giữa giá đất ở và giá đất nông nghiệp ở địa phương, được quy định trong bảng giá đất trong quyết định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành.

Ví dụ: Gia đình anh A có một diện tích đất nông nghiệp là 100m2 và muốn chuyển đổi toàn bộ lên thành đất ở.

Giá đất nông nghiệp tại địa phương tại thời điểm thực hiện chuyển đổi là 150 ngàn đồng/m2 và giá đất ở là 900 ngàn đồng/m2. Vậy số tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất mà anh A phải nộp sẽ được tính như sau:

Số tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất phải nộp = 50% x (Giá đất ở tại địa phương – Giá đất nông nghiệp ở địa phương) x Diện tích m2 đất = 50% x (900 000 – 150 000) x 100m2 = 37 500 000 đồng.

Trường hợp chuyển từ đất nông nghiệp mà được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất sang đất ở: tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất bằng 100% mức chênh lệch giữa tiền sử dụng đất tính theo giá đất ở với tiền sử dụng đất tính theo giá đất nông nghiệp tại thời điểm có quyết định chuyển đổi của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Thứ ba, xử phạt đối với trường hợp sử dụng đất nông nghiệp sai mục đích.

Trong trường hợp chưa thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất mà xây dựng nhà trên đất nông nghiệp này thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính và khắc phục hậu quả theo quy định tại Điều 6 Nghị định 102/2014/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai cụ thể như sau:

Về mức phạt tiền:

– Trường hợp chuyển mục đích trái phép với diện tích đất dưới 0,5 héc ta sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.

– Trường hợp chuyển mục đích trái phép với diện tích đất dưới 0,5 héc ta đến dưới 03 héc ta sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng.

– Trường hợp chuyển mục đích trái phép với diện tích đất từ 03 héc ta trở lên sẽ bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng.

 Về biện pháp khắc phục hậu quả:

– Buộc phải khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm, có thể là áp dụng các biện pháp cưỡng chế tháo dỡ công trình xây dựng trái phép trên đất.

– Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Như vậy trong trường hợp tự ý sử dụng đất trái với mục đích sử dụng, tự ý thực hiện thay đổi mục đích sử dụng đất thì có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt như trên, ngoài ra còn có thể phải thực hiện khắc phục hậu quả như là buộc cưỡng chế tháo dỡ công trình, khôi phục tình trạng ban đầu hay thu lại số lợi đã thu do sử dụng đất trái quy định.

Trên đây là một số chia sẻ của Luật sư, mọi yêu cầu hỗ trợ quý vị hãy liên hệ tổng đài tư vấn pháp luật 0915.27.05.27 của chúng tôi. Công ty luật Nhân Hòa chuyên dịch vụ luật sư uy tín, tin cậy đảm bảo giải quyết mọi vướng mắc bạn gặp phải.

Quý khách vui lòng liên hệ với chúng tôi theo thông tin sau:

Công ty Luật Nhân Hòa

Địa chỉ: 02 Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, Tp.HCM

Email: luatsunhanhoa@gmail.com

Hotline: 0915. 27.05.27                                            

Trân trọng!

 

 

 


Bài viết xem thêm