Ô TÔ, XE MÁY ĐI NGƯỢC CHIỀU BỊ XỬ PHẠT NHƯ THẾ NÀO?

Ô tô, xe máy đi ngược chiều thì mức phạt là bao nhiêu tiền? Mức xử phạt vi phạm hành chính khi vi phạm các quy định về giao thông đường bộ.

Hiện nay, tình hình va chạm giao thông, tai nạn giao thông càng ngày càng gia tăng, gây thiệt hại về tính mạng, tài sản, sức khỏe của người tham gia giao thông, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, có thể thấy, việc gia tăng tai nạn, va chạm giao thông nêu trên, bên cạnh các lý do khách quan như bão, lũ… thì chủ yếu đều xuất phát từ ý thức của người tham gia giao thông, thể hiện ở việc phổ biến tình trạng vi phạm giao thông. Trong đó, hành vi đi ngược chiều là một trong những hành vi mà nhiều người vi phạm. Hiểu rõ về vấn đề này, trong phạm vi bài viết này, đội ngũ luật sư và chuyên gia luật Nhân Hòa sẽ đề cập về hành vi đi ngược chiều, và mức xử phạt đối với hành vi đi ngược chiều của ô tô, xe máy theo quy định của pháp luật hiện hành.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, hiện nay quy định về việc đi ngược chiều và mức xử phạt đối với hành vi đi ngược chiều được áp dụng cho ô tô xe máy được quy định cụ thể tại Luật an toàn giao thông đường bộ năm 2008 và Nghị định 46/2016/NĐ-CP. Cụ thể như sau:

Đi ngược chiều? Hiện nay, trong các văn bản của pháp luật không có quy định cụ thể về khái niệm “đi ngược chiều”. Tuy nhiên, theo quy định của Luật giao thông đường bộ năm 2008, cụ thể tại khoản 1 Điều 9 có quy định về nguyên tắc chung khi tham gia giao thông như sau: Cá nhân, phương tiện khi tham gia giao thông thì phải đi bên phải theo chiều đi của mình, đúng làm đường, phần đường quy định, chấp hành đúng chỉ dẫn của biển báo giao thông đường bộ. Trên cơ sở khái niệm này, có thể hiểu, ô tô, xe máy, hay các phương tiện cơ giới khác có hành vi “đi ngược chiều” được hiểu là hành vi đi ngược lại, đi theo hướng ngược lại chiều đi được phép của mình, hoặc không chấp hành biển báo chỉ dẫn của đường một chiều, thường thể hiện ở các hành vi như: đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều”…

Khi một cá nhân điều khiển phương tiện giao thông, cụ thể như xe máy, xe ô tô “đi ngược chiều” thì được xác định là đang thực hiện hành vi vi phạm pháp luật khi họ không đi đúng chiều đi của mình, không chấp hành biển báo giao thông đường bộ. Trường hợp này, khi ô tô, xe máy “đi ngược chiều” trái quy định, tức là có hành vi đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển cấm “Đi ngược chiều” thì người điều khiển xe ô tô, xe máy sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP, cụ thể như sau:

  • Trường hợp xe máy, xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô, xe gắn máy vi phạm.

Khi xe máy, xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô, xe gắn máy mà có hành vi “đi ngược chiều” trái quy định, tức là họ đi xe vào đường mà có biển cấm “đi ngược chiều” hoặc đi theo hướng ngược lại của đường một chiều thì căn cứ theo quy định tại điểm i khoản 4 Điều 6 Nghị định 46/2016/NĐ-CP, người điều khiển xe mô tô, gắn máy sẽ bị xử phạt tiền với mức tiền phạt từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng, trừ trường hợp xe ưu tiên đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định.

Trong đó, xe ưu tiên đi làm nhiệm vụ khẩn cấp mà không bị xử phạt dù có hành vi “đi ngược chiều” trái quy định, theo quy định tại Điều 22 Luật giao thông đường bộ năm 2008, bao gồm: xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu; xe chữa cháy đang đi làm nhiệm vụ chữa cháy; xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường; xe hộ đê, xe đi làm các nhiệm vụ khắc phục thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đang thực hiện nhiệm vụ khẩn cấp khác; đoàn xe tang. Các loại xe ưu tiên này khi đang thực hiện nhiệm vụ khẩn cấp, cấp bách thì được phép đi vào đường ngược chiều, và tất cả các đường khác nên không bị xử phạt. Tuy nhiên, yêu cầu đối với các loại xe ưu tiên đang làm nhiệm vụ khẩn cấp thì phải có tín hiệu còi, cờ, đèn theo quy định.

Ví dụ: Một chiếc xe mô tô của Công an đang lưu thông trên đường, đi vào đường ngược chiều có biển cấm “Đi ngược chiều” nhưng có đèn quay phát ánh sáng màu đỏ, gắn ở càng xe phía sau, có cờ hiệu Công an cắm ở đầu xe, có còi phát tín hiệu ưu tiên. Trường hợp này, có thể thấy, người điều khiển chiếc xe mô tô này mặc dù có hành vi “đi ngược chiều” trái quy định nhưng sẽ không bị xử phạt vì chiếc xe này đang được xác định là xe ưu tiên, đang thực hiện nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định.

Ngoài ra, cùng với việc bị xử phạt với mức phạt từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng theo quy định tại điểm i khoản 4 Điều 6 Nghị định 46/2016/NĐ-CP nêu trên thì đối với người điều khiển xe mô tô, xe máy, xe gắn máy thực hiện hành vi “đi ngược chiều” trái quy định, họ còn có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 01 đến 03 tháng theo quy định tại điểm b, khoản 12 Điều 6 Nghị định này.

Trường hợp “đi ngược chiều” trái quy định mà gây ra tai nạn giao thông thì theo quy định tại điểm c khoản 12 Điều 6 Nghị định 46/2016/NĐ-CP, người điều khiển xe mô tô, xe máy, xe gắn máy sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 02 đến 04 tháng.

  • Trường hợp ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm.

Đối với ô tô và các loại xe tương tự ô tô, khi có hành vi “đi ngược chiều” trái quy định, cụ thể thể hiện ở việc đi vào đường có biển cấm “đi ngược chiều” hoặc đi ngược chiều của đường một chiều thì căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP, người điều khiển xe ô tô, và các loại xe tương tự ô tô sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng, trừ trường hợp xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp hoặc trường hợp đi ngược chiều trên đường cao tốc.

Trong đó, các loại xe ưu tiên dù “đi ngược chiều” trái quy định cũng không bị xử phạt vẫn được xác định theo quy định tại Điều 22 Luật giao thông đường bộ năm 2008 nêu trên. Ví dụ: một chiếc xe cứu thương nếu đang đi trên đường, có còi hú phát tín hiệu ưu tiên, và có đèn quay hoặc đèn chớp phát sáng màu đỏ gắn trên nóc xe thì có thể xác định xe này đang đi thực hiện nhiệm vụ cấp cứu khẩn cấp, sẽ không bị xử phạt dù đi vào đường có biển cấm “Đi ngược chiều”. Nhưng nếu cũng là một chiếc xe cứu thương đang di chuyển trên đường, không có còi phát tín hiệu ưu tiên, đèn trên nóc xe cũng không phát sáng… thì chiếc xe này không được xác định là xe được ưu tiên, nên nếu đi ngược chiều đường của đường một chiều vẫn bị xử phạt như trường hợp xe ô tô thông thường.

Ngoài việc bị phạt tiền với mức tiền phạt từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng được xác định ở trên thì đối với người điều khiển xe ô tô thực hiện hành vi “đi ngược chiều” trái quy định theo điểm b khoản 4 Điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP được trích dẫn ở trên có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 01 đến 03 tháng, trường hợp gây ra tai nạn giao thông bởi hành vi này thì bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 02 đến 04 tháng. Nội dung này được quy định tại định tại điểm b, điểm c khoản 12 Điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP.

Còn đối với hành vi đi ngược chiều trên đường cao tốc thì căn cứ theo điểm a khoản 8 Điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP, người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự ô tô sẽ bị phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định. Cùng với việc bị xử phạt hành chính thì người điều khiển xe ô tô, các loại xe tương tự ô tô khi thực hiện hành vi này còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 04 đến 06 tháng theo quy định tại điểm đ, khoản 12 Điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP.

Như vậy, tùy vào từng trường hợp vi phạm mà người điều khiển phương tiện ô tô, xe máy có hành vi đi vào đường có biển cấm “đi ngược chiều”, hoặc đi ngược chiều của đường một chiều sẽ bị xử phạt với mức xử phạt khác nhau. Người tham gia giao thông cần dựa vào từng trường hợp vi phạm để có sự xác định cụ thể.

Trên đây là một số chia sẻ của Luật sư, mọi yêu cầu hỗ trợ quý vị hãy liên hệ tổng đài tư vấn pháp luật 0915.27.05.27 của chúng tôi. Công ty luật Nhân Hòa chuyên dịch vụ luật sư uy tín, tin cậy đảm bảo giải quyết mọi vướng mắc bạn gặp phải.

Công ty Luật Nhân Hòa

Địa chỉ: 02 Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, Tp.HCM

Email: luatsunhanhoa@gmail.com

Hotline: 0915. 27.05.27                                            

Trân trọng!

 


Bài viết xem thêm