PHÁP LUẬT ÁP DỤNG CHO QUAN HỆ THỪA KẾ CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI THEO BỘ LUẬT DÂN SỰ 2015

Theo quy định tai Bộ luật Dân sự 2015, quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài là quan hệ dân sự có ít nhất một trong các bên tham gia là cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc là các quan hệ dân sự giữa các bên tham gia là công dân, tổ chức Việt Nam nhưng căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài, phát sinh tại nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài.

Về quan hệ thừa kế có yếu tố nước ngoài thực tiễn hiện nay phổ biến hai trường hợp là: Cá nhân là người có quốc tịch nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam, có một khối tài sản được tạo lập tại Việt Nam, sau đó họ chết và trở thành chủ thể để lại di sản thừa kế; Cá nhân là người sinh sống và làm việc lâu dài tại nước ngoài và đã có quốc tịch nước ngoài, khi một cá nhân là người Việt Nam chết thì họ trở thành người thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc của người đó. Cụ thể được pháp luật quy định như sau :

  1. 1.     Thừa kế theo pháp luật có yếu tố nước ngoài.

Bộ luật Dân sự 2005 quy định Thừa kế theo pháp luật phải tuân theo pháp luật của nước mà người để lại di sản thừa kế có quốc tịch trước khi chết. Vì vậy, đối với trường hợp người để lại di sản là người nước ngoài thì việc phân chia di sản sẽ theo pháp luật mà người nước ngoài đó mang quốc tịch. Lưu ý trong trường hợp người nước ngoài là người chồng thì khối di sản được xác định để phân chia theo pháp luật nước ngoài bao gồm phần tài sản trong khối tài sản chung với người vợ và phần tài sản riêng của họ (Nếu họ kết hôn theo pháp luật Việt Nam)

Trường hợp người được hưởng di sản là người nước ngoài và người để lại di sản là người Việt Nam thì việc phân chia di sản theo quy định của pháp luật Việt Nam. Người thừa kế theo pháp luật được quy định tại Bộ luật Dân sự như sau :

-         Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

-         Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

-         Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

-         Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

-         Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

2. Thừa kế theo di chúc có yếu tố nước ngoài

Pháp luật Việt Nam quy định năng lực lập di chúc, thay đổi và huỷ bỏ di chúc phải tuân theo pháp luật của nước mà người lập di chúc là công dân. Theo đó, việc xem xét các điều kiện để di chúc hợp pháp, quyền của người lập di chúc, nội dung của di chúc cần phải xem đến quy định pháp luật của nước mà người để lại di chúc là công dân.

Về hình thức của di chúc phải tuân theo pháp luật của nước nơi lập di chúc, do vậy kể cả trường hợp người nước ngoài lập di chúc tại Việt Nam và người nước ngoài được hưởng di sản theo di chúc được lập tại Việt Nam đều phải tuân theo hình thức mà pháp luật Việt Nam quy định: Di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng.

3. Di sản của thừa kế có yếu tố nước ngoài là bất động sản

Cần lưu ý đối với di sản là bất động sản, Bộ luật Dân sự quy định quyền thừa kế đối với bất động sản phải tuân theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó. Vì vậy trong trường hợp này việc hưởng di sản thừa kế không còn phụ thuộc vào quốc tịch của người để lại di sản mà phụ thuộc vào pháp luật nơi có bất động sản đó.

Theo quy định pháp luật về nhà ở và pháp luật về đất đai Việt Nam thì người nước ngoài cũng được quyền sở hữu nhà ở thông qua nhận thừa kế tại Việt Nam nếu được phép nhập cảnh vào Việt Nam nhưng nhà ở nhận thừa kế phải là nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ và không thuộc diện người được quyền ưu miễn trừ ngoại giao, lãnh sự ở Việt Nam (Điều 159, Điều 160 Luật nhà ở 2014). Trường hợp di sản thừa kế là bất động sản, cụ thể là quyền sử dụng đất hoặc nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất và người nhận thừa kế là người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài không thuộc diện được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam(không phải là người có quốc tịch Việt Nam; người gốc Việt Nam thuộc diện người về đầu tư trực tiếp tại Việt Nam theo pháp luật về đầu tư; người có công đóng góp cho đất nước; nhà khoa học, nhà văn hóa, người có kỹ năng đặc biệt mà cơ quan, tổ chức của Việt Nam có nhu cầu và đang làm việc tại Việt Nam; người có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam sinh sống ở trong nước)thì họ chỉ được hưởng giá trị của nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở (Điều 186, Luật Đất đai 2013).

Trên đây là một số chia sẻ của Luật sư, mọi yêu cầu hỗ trợ quý vị hãy liên hệ tổng đài tư vấn pháp luật 0915.27.05.27 của chúng tôi. Công ty luật Nhân Hòa chuyên dịch vụ luật sư uy tín, tin cậy đảm bảo giải quyết mọi vướng mắc bạn gặp phải.

Công ty Luật Nhân Hòa

Địa chỉ: 02 Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, Tp.HCM

Email: luatsunhanhoa@gmail.com

Hotline: 0915. 27.05.27

Trân trọng!

 


Bài viết xem thêm