Việc người khởi kiện không xác định được nơi cư trú của người bị kiện là một hiện trạng phổ biến trong những tranh chấp dân sự hiện nay, xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như người bị kiện cố tình che giấu địa chỉ nhằm trốn tránh trách nhiệm hoặc do người khởi kiện chưa thử mọi cách theo quy định pháp luật để tìm ra địa chỉ người bị kiện. Vậy, khi không biết bị đơn đang ở đâu thì có thể khởi kiện dân sự được không? Luật Nhân Hòa sẽ giải đáp vấn đề này thông qua bài viết sau đây.
1. Nội dung cần có trong đơn khởi kiện vụ án dân sự
Theo khoản 4 Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, đơn khởi kiện phải có các nội dung chính sau đây:
+ Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;
+ Tên Tòa án nhận đơn khởi kiện;
+ Tên, nơi cư trú, làm việc của người khởi kiện là cá nhân hoặc trụ sở của người khởi kiện là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có). Trường hợp các bên thỏa thuận địa chỉ để Tòa án liên hệ thì ghi rõ địa chỉ đó;
+ Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền và lợi ích được bảo vệ là cá nhân hoặc trụ sở của người có quyền và lợi ích được bảo vệ là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có);
+ Tên, nơi cư trú, làm việc của người bị kiện là cá nhân hoặc trụ sở của người bị kiện là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có). Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người bị kiện thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người bị kiện;
+ Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cá nhân hoặc trụ sở của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có). Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
+ Quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm; những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết đối với người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
+ Họ, tên, địa chỉ của người làm chứng (nếu có);
+ Danh mục tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện.
Như vậy, nơi cư trú của người bị kiện là một trong những nội dung bắt buộc cần có trong đơn khởi kiện. Nhưng trên thực tế, có rất nhiều trường hợp người khởi kiện không rõ tung tích nơi ở của người bị kiện, vậy người khởi kiện phải làm thế nào?
2. Bổ sung đơn khởi kiện trong trường hợp không ghi nơi bị đơn cư trú
Theo Điều 193 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015:
+ Trường hợp đơn khởi kiện không có đủ các nội dung quy định tại khoản 4 Điều 189 của Bộ luật này thì Thẩm phán thông báo bằng văn bản nêu rõ những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung cho người khởi kiện để họ sửa đổi, bổ sung.
+ Trường hợp người khởi kiện đã sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện theo đúng quy định tại khoản 4 Điều 189 của Bộ luật này thì Thẩm phán tiếp tục việc thụ lý vụ án; nếu họ không sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu thì Thẩm phán trả lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho người khởi kiện.
Như vậy, khi người khởi kiện nộp đơn khởi kiện lên Tòa án, nếu trong đơn thiếu mất nội dung về nơi cư trú của người bị kiện thì Thẩm phán sẽ thông báo để người khởi kiện thực hiện bổ sung nội dung ấy vào đơn. Nếu người khởi kiện không bổ sung đúng như yêu cầu của Thẩm phán thì Thẩm phán có quyền trả lại đơn khởi kiện.
Điều này cũng được khẳng định tại điểm e khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 - Thẩm phán được trả lại đơn khởi kiện trong trường hợp người khởi kiện không sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện theo yêu cầu của Thẩm phán quy định tại khoản 2 Điều 193 của Bộ luật này.
Tuy nhiên, trong trường hợp người khởi kiện đã ghi đầy đủ và đúng địa chỉ nơi cư trú của người bị kiện nhưng họ không có nơi cư trú ổn định, thường xuyên thay đổi nơi cư trú, trụ sở mà không thông báo địa chỉ mới cho cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về cư trú làm cho người khởi kiện không biết được nhằm mục đích che giấu địa chỉ, trốn tránh nghĩa vụ đối với người khởi kiện thì Thẩm phán không trả lại đơn khởi kiện mà xác định người bị kiện cố tình giấu địa chỉ và tiến hành thụ lý, giải quyết theo thủ tục chung.
Tóm lại, tùy từng trường hợp mà Tòa án sẽ giải quyết hoặc trả lại đơn khởi kiện:
+ Nếu người khởi kiện không biết về nơi cư trú của người bị kiện vì người bị kiện cố tình che dấu, trốn tránh nghĩa vụ thì Thẩm phán vẫn giải quyết theo thủ tục chung;
+ Nếu không thuộc trường hợp người bị kiện cố tình che dấu như trên, khi người khởi kiện không biết nơi cư trú của người bị kiện, Thẩm phán sẽ trả lại đơn khởi kiện.
Trên đây là bài viết với nội dung “Không biết bị đơn đang ở đâu thì có thể khởi kiện dân sự được hay không?”. Nếu Quý bạn đọc có thắc mắc về nội dung bài viết hoặc đang cần Luật sư tư vấn về làm đơn khởi kiện, xác định địa chỉ nơi cư trú của bị đơn hoặc những vấn đề pháp lý khác có liên quan, vui lòng liên hệ tổng đài 0915.27.05.27 để được Luật sư Luật Nhân Hòa hỗ trợ nhanh chóng và tận tình.
CÔNG TY LUẬT NHÂN HÒA
Địa chỉ: 2 Hiệp Bình, p. Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, Tp.HCM
Hotline: 0915.27.05.27
Email: luatsunhanhoa@gmail.com
Trân trọng!