MUA Ô TÔ CŨ CÓ CẦN PHẢI SANG TÊN ĐỔI CHỦ KHÔNG?

Mua xe ô tô cũ có cần sang tên không?

Ô tô là tài sản BẮT BUỘC phải sang tên từ 11/02/2020 theo quyết định 933/QĐ-BCA-C08

Đối với ô tô mua mới, chủ sở hữu có trách nhiệm phải đưa xe đến cơ quan đăng kí xe để đăng ký xe và được cấp biển số xe theo quy định.

Đối với ô tô cũ được chuyển quyền sở hữu từ việc mua bán, tặng cho, thừa kế, điều chuyển… thì chủ xe cũng phải có trách nhiệm đến cơ quan đăng ký xe để làm thủ tục đăng ký sang tên trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày làm chứng từ chuyển quyền sở hữu xe.

Mua xe ô tô cũ không sang tên có được không?

Trước đây, việc sang tên đổi chủ thường ít thực hiện, đa phần hai bên mua bán lựa chọn công chứng hợp đồng và tiếp tục giữ đăng ký cũ để sử dụng. Tuy nhiên, điều này vô tình gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong quản lý. Do đó, mục 5 điều 30 nghị định 46/2016/NĐ-CP ra đời có hiệu lực từ 1/1/2017 buộc các chủ xe ô tô phải thực hiện việc sang tên đổi chủ khi mua bán.

Khoản 5 Điều 30 Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định từ 1/1/2017, các chủ xe ô tô phải thực hiện việc sang tên đổi chủ khi mua bán xe. Ngoài ra, khoản 3 Điều 6 Thông tư số 36/2010/TT-BCA cũng quy định nếu cá nhân/tổ chức mua bán, cho, tặng, thừa kế xe nhưng không sang tên đổi chủ trong vòng 30 ngày sẽ bị phạt từ 1.000.000 – 2.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 2.000.000 – 4.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe.

Như vậy, trả lời cho câu hỏi mua xe oto cũ có cần sang tên không, theo quy định pháp luật trên, người mua xe ô tô cũ bắt buộc phải làm thủ tục sang tên. Nếu không sang tên có thể bị xử phạt theo quy định pháp luật. 

Nếu mua ô tô cũ mà không tiến hành sang tên chính chủ, chủ xe sẽ bị phạt.

Cụ thể, theo Nghị định 100 năm 2019, việc không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế thì bị phạt như sau:

  • Tài sản là xe mô tô, xe gắn máy sẽ bị phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng đối với cá nhân, từ 800.000 đồng - 1,2 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe;
  • Tài sản là xe ô tô sẽ bị phạt tiền từ 02 - 04 triệu đồng đối với cá nhân, từ 04 - 08 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe.

Tại Nghị định này không có quy định nào về việc sẽ thu hồi ô tô không sang tên chính chủ. Vì thế, mua ô tô không sang tên chính chủ có thể bị thu hồi chỉ là tin đồn không có căn cứ pháp luật.

Thủ tục sang tên đổi chủ xe

Bước 1: Ký hợp đồng mua bán xe và công chứng

Để tiến hành mua, bán ô tô cũ, bên bán chuẩn bị:

– Giấy tờ xe bản chính;

– CMND/Căn cước công dân bản chính;

– Sổ hộ khẩu bản chính;

– Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân nếu còn độc thân; Giấy chứng nhận kết hôn nếu đã kết hôn để tránh phát sinh tranh chấp tài sản sau này.

Bên mua chuẩn bị:

– CMND/Căn cước công dân bản chính;

– Sổ hộ khẩu bản chính.

Sau khi bên mua đã xem xét kỹ tình trạng xe, giấy tờ xe và thương lượng xong về giá bán, hai bên tiến hành công chứng Hợp đồng mua bán xe. Hợp đồng mua bán xe sẽ diễn ra tại phòng công chứng tư. Hai bên có thể đến bất kỳ phòng công chứng nào, miễn là thuận lợi cho cả hai. Phòng công chứng sẽ hướng dẫn các thủ tục làm Hợp đồng mua bán xe ô tô và soạn thảo hợp đồng mua bán. Hai bên ký vào Hợp đồng mua bán xe. Phòng công chứng xác nhận Hợp đồng, đóng dấu và thu phí (phí công chứng dựa trên % giá trị chiếc xe được mua bán). Hợp đồng sẽ được làm thành 3 bản chính, mỗi bên giữ 1 bản.

02 bên ký hợp đồng mua bán xe, sau đó phải tiến hành công chứng hoặc chứng thực.

Theo điểm g khoản 1 Điều 10 Thông tư 15/2014/TT-BCA, giấy bán, cho, tặng xe của cá nhân phải có công chứng theo quy định hoặc chứng thực của UBND xã, phường, thị trấn đối với chữ ký của người bán, cho, tặng xe.

Công văn 3956/BTP-HTQTCT hướng dẫn như sau:

– Đối với Giấy bán, cho, tặng xe chuyên dùng thì UBND cấp xã nơi thường trú của người bán, cho, tặng xe thực hiện chứng thực chữ ký của người bán, cho, tặng xe.

– Đối với Giấy bán, cho, tặng xe của cá nhân thì người dân có quyền lựa chọn công chứng Giấy bán, cho, tặng xe tại các tổ chức hành nghề công chứng hoặc chứng thực chữ ký trên Giấy bán, cho, tặng xe.

Nếu lựa chọn chứng thực chữ ký trên Giấy bán, cho, tặng xe cá nhân thì thực hiện chứng thực chữ ký tại UBND xã nơi thường trú của người bán, cho, tặng xe.

Bước 2: Rút hồ sơ gốc của xe

Bước này chỉ thực hiện khi bên bán và mua không ở cùng tỉnh/thành phố. Cả hai bên sẽ đến nơi đăng ký xe lần đầu tiên, làm thủ tục rút hồ sơ gốc và bàn giao lại cho bên mua để tiến hành đăng ký sang tên chủ sở hữu xe.

Và sau bước này, bên bán sẽ giao toàn bộ các giấy tờ để bên mua tự hoàn tất các thủ tục còn lại gồm:

+ Giấy đăng ký xe
+ Hồ sơ gốc của xe
+ Hợp đồng mua bán xe

Bước 3: Nộp lệ phí trước bạ khi thực hiện thủ tục đăng ký xe ô tô

Sau khi bên bán bàn giao đầy đủ các giấy tờ gốc của xe ô tô, bên mua mang tất cả các giấy tờ trên cùng với hợp đồng mua bán xe mang đến Chi cục Thuế quận/huyện nơi mình sinh sống để nộp thuế trước bạ.

Theo quy định của Bộ Tài Chính (BTC), mức lệ phí trước bạ áp dụng cho tất cả ô tô cũ đã qua sử dụng trên toàn quốc là 2% giá trị còn lại của xe. Trong đó, giá trị sử dụng còn lại của chiếc xe được quy định cụ thể theo Thông tư 20/2019/TT-BTC sửa đổi Thông tư 301/2016/TT-BTC như sau:

Xe sử dụng được 1 năm, mức giá tính phí trước bạ là 90%

Xe sử dụng từ 1 năm đến 3 năm, mức giá tính phí trước bạ là 70%

Xe sử dụng từ 3 năm đến 6 năm, mức giá tính phí trước bạ là 50%

Xe sử dụng từ 6 năm đến 10 năm, mức giá tính phí trước bạ là 30%

Xe sử dụng trên 10 năm, mức giá tính phí trước bạ là 20%

Ví dụ người mua chiếc xe đã qua sử dụng được 5 năm, giá bán ban đầu của xe là 500 triệu. Vậy mức thuế trước bạ phải đóng sẽ là 2% (giá trị còn lại của xe) x 50% (mức giá tính phí trước bạ) x 500 triệu đồng (giá xe mới). Công thức tính sẽ là 0,02 x 0,5 x 500 = 5 triệu đồng.

Bước 4: Đăng ký sang tên

Bên mua sẽ đến Công an cấp Quận/Huyện nơi mình sinh sống để tiến hành đăng ký sang tên. Thời hạn giải quyết hồ sơ: không quá 2 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ sang tên xe di chuyển hợp lệ.

Bước 5: Đăng kiểm lưu hành

Nếu bên mua và bên bán sống trên cùng tỉnh/thành phố, hồ sơ đăng ký không phải di chuyển, bên mua sẽ giữ biển số cũ và tiếp tục lưu hành xe đến kì đăng kiểm tiếp theo.

Như vậy, trả lời cho câu hỏi sang tên xe oto có đổi biển số không chỉ áp dụng đối với người mua xe sinh sống khác tỉnh/thành phố với người bán, hồ sơ gốc của xe buộc di chuyển về tỉnh/thành phố mới. Sau khi đã nhận được giấy sang tên (đăng ký mới), chủ sở hữu xe sẽ tiến hành đổi biển số xe và đăng kiểm đổi sổ lưu hành. Và đây là bước cuối cùng trong thủ tục sang tên và đổi chủ sở hữu xe.

Thuế sang tên xe ô tô

Ngoài lệ phí trước bạ, bên mua xe còn phải đóng phí cấp đổi đăng ký sang tên hoặc biển số theo quy định.

• Trường hợp hai bên mua bán cùng tỉnh/thành phố, bên mua đóng phí cấp đổi giấy đăng ký xe, xe vẫn tiếp tục sử dụng biển số cũ. Chủ xe tiếp tục sử dụng xe đến kỳ đăng kiểm tiếp theo.

• Trường hợp hai bên mua bán khác tỉnh/thành phố, bên mua đóng phí cấp mới đăng ký kèm theo biển số mới. Khi cấp mới biển số, cơ quan Công an nơi đăng ký sẽ thu hồi biển số cũ. Đồng thời, theo quy định chủ xe phải tiến hành đăng kiểm lại xe sau khi được cấp đổi biển số mới.

Mức thu lệ phí đăng ký và cấp biển số xe được phân bổ theo khu vực và quy định theo điều 5 Thông tư số 229/2016/TT-BTC của Bộ tài chính như sau:

• Khu vực I gồm thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh
• Khu vực II gồm các thành phố trực thuộc Trung ương (trừ thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh), các thành phố trực thuộc tỉnh và các thị xã
• Khu vực III gồm các khu vực khác ngoài khu vực I và khu vực II nêu trên.

Quy trình sang tên cấp mới đăng ký và đổi biển số

Quy trình sang tên cấp mới đăng ký và đổi biển số tương tự thủ tục sang tên đổi chủ bên trên. Tuy nhiên ở bước 5, quy trình sẽ có sự khác biệt đôi chút.

Sau khi chuẩn bị hồ sơ đầy đủ theo quy định của pháp luật, bên mua sẽ nộp hồ sơ đề nghị sang tên di chuyển tại tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả Trụ sở Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc các điểm đăng ký xe của Phòng. Sau , cán bộ tiếp nhận sẽ tiến hành theo trình tự sau:

1. Kiểm tra giấy tờ của chủ xe, tiếp nhận hồ sơ và hai giấy khai sang tên, di chuyển.
2. Thu hồi biển số và giấy chứng nhận đăng ký xe cũ.|
3. Đối chiếu kỹ giữa giấy chứng nhận đăng ký xe với chứng từ chuyển nhượng xe.
4. Bổ sung nội dung thay đổi xe sang tên, di chuyển vào máy vi tính. In 02 Phiếu sang tên di chuyển và giấy đăng ký xe tạm thời (nếu chủ xe có yêu cầu).
5. Cắt góc phía trên bên phải, mặt trước giấy chứng nhận đăng ký xe.
6. Niêm phong hồ sơ gốc có đóng dấu giáp lai. Riêng phiếu sang tên di chuyển, giấy khai sang tên di chuyển, giấy chứng nhận đăng ký xe và chứng từ chuyển nhượng xe ghim vào phía ngoài túi đựng hồ sơ đã được niêm phong.

Sau đó, cán bộ tiếp nhận sẽ trả phiếu sang tên, di chuyển, giấy khai sang tên di chuyển kèm theo hồ sơ gốc cho chủ xe và cấp giấy chứng nhận đăng ký xe tạm thời, hướng dẫn chủ xe dán biển số tạm thời theo quy định (nếu có).

Trên đây là chia sẻ của luật sư về vấn đề “Mua xe ô tô cũ có cần phải sang tên không?”. Hy vọng sẽ giúp quý vị và các bạn hiểu rõ hơn các quy định pháp luật về vấn đề này.

Quý vị và các bạn cần tư vấn, giải quyết tranh chấp về dân sự, hình sự vui lòng liên hệ với chúng tôi theo thông tin sau:

CÔNG TY LUẬT NHÂN HOÀ

Địa chỉ: 2 Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước, Tp. Thủ Đức, Tp. Hồ Chí Minh

Hotline: 0915.27.05.27

Email: luatsunhanhoa@gmail.com

Trân trọng!

 

 


Bài viết xem thêm