1. Không thu tiền người lao động tham gia ứng tuyển
Khoản 1 Điều 11 Bộ luật Lao động năm 2019 đã quy định rõ:
2. Người lao động không phải trả chi phí cho việc tuyển dụng lao động.
Theo đó, doanh nghiệp không được yêu cầu ứng viên trả phí tuyển dụng. Nếu cố tình vi phạm, người sử dụng lao động sẽ bị phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 Nghị định 12/2022/NĐ-CP như sau:
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi sau đây:
b) Thu tiền của người lao động tham gia tuyển dụng lao động;
Như vậy, người sử dụng lao động là cá nhân sẽ bị phạt từ 01 - 03 triệu đồng, trong khi đó, người sử dụng lao động là tổ chức vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 02 - 06 triệu đồng (theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022).
Ngoài ra, phía doanh nghiệp còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc trả lại số tiền đã thu của người lao động.
2. Không quảng cáo gian dối về công việc
Khoản 1 Điều 16 Bộ luật Lao động yêu cầu người sử dụng lao động phải cung cấp thông tin trung thực cho người lao động về công việc, địa điểm làm việc, điều kiện làm việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn, vệ sinh lao động, tiền lương, hình thức trả lương,….
Trường hợp có hành vi lôi kéo, dụ dỗ hay quảng cáo gian dối để lừa gạt người lao động hoặc để tuyển dụng họ với mục đích bóc lột, cưỡng bức lao động, người sử dụng lao động sẽ bị phạt từ 50 - 75 triệu đồng theo khoản 3 Điều 8 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.
Tuy nhiên đây chỉ là mức phạt đối với cá nhân vi phạm, trường hợp người sử dụng lao động là tổ chức sẽ bị phạt gấp đôi từ 100 - 150 triệu đồng.
3. Không phân biệt giới tính, quê quán
Theo Điều 5 và Điều 10 Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động có quyền tự do lựa chọn việc làm, làm việc cho bất kỳ người sử dụng lao động nào và ở bất kỳ nơi nào mà pháp luật không cấm; không bị phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
Cùng với đó, khoản 1 Điều 8 Bộ luật này cũng nghiêm cấm hành vi phân biệt đối xử trong lao động với những biểu hiện phân biệt, loại trừ hoặc ưu tiên dựa trên chủng tộc, màu da, nguồn gốc quốc gia hoặc nguồn gốc xã hội, dân tộc, giới tính, độ tuổi, tình trạng thai sản, tình trạng hôn nhân, tôn giáo, tín ngưỡng, chính kiến, khuyết tật, trách nhiệm gia đình hoặc tình trạng HIV….
Nếu vi phạm quy định này, người sử dụng lao động sẽ bị phạt như sau:
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Phân biệt đối xử trong lao động trừ các hành vi phân biệt đối xử quy định tại điểm d khoản 1 Điều 13, khoản 2 Điều 23, khoản 1 Điều 36 và khoản 2 Điều 37 Nghị định này;
Theo đó, nếu có hành vi phân biệt đối xử trong việc tuyển dụng, người sử dụng lao động là cá nhân sẽ bị phạt từ 05 - 10 triệu đồng, còn người sử dụng lao động là tổ chức vi phạm bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng.
4. Chỉ tuyển lao động nước ngoài cho một số vị trí
Theo quy định tại Điều 152 Bộ luật Lao động hiện hành, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhà thầu trong nước chỉ được tuyển lao động là người nước ngoài vào làm công việc quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật mà lao động Việt Nam chưa đáp ứng được theo nhu cầu sản xuất, kinh doanh.
Điều này đồng nghĩa với việc, không phải công việc nào doanh nghiệp cũng có thể tuyển dụng lao động nước ngoài.
Đặc biệt, khi tuyển dụng lao động nước ngoài vào làm việc trên lãnh thổ Việt Nam, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức phải giải trình nhu cầu sử dụng lao động và được sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Trên đây là tư vấn của luật sư đối với vấn đề “ Khi tuyển dụng lao động, doanh nghiệp cần lưu ý những vấn đề gì”. Hy vọng đã giải đáp được thắc mắc cho quý vị và các bạn về vấn đề này.
Quý vị và các bạn cần tư vấn pháp luật dân sự, lao động, hình sự, hành chính,...có thể liên hệ luật sư qua thông tin sau:
CÔNG TY LUẬT NHÂN HOÀ
Địa chỉ: 2 Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước, Tp. Thủ Đức, Tp.Hồ Chí Minh
Hotline: 0915.27.05.27
Email: luatsunhanhoa@gmail.com
Trân trọng!