Muốn hưởng lương hưu cao, xin đóng bảo hiểm xã hội ở mức cao hơn được không?
Theo Điều 89 Luật BHXH năm 2014, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động.
Cùng với đó, khoản 2 Điều 30 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, được sửa bởi Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH cũng hướng dẫn tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc của người lao động bao gồm:
- Mức lương theo công việc hoặc chức danh được thỏa thuận trong hợp đồng lao động.
- Các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng chưa tính đến hoặc có tính nhưng chưa đầy đủ.
- Các khoản bổ sung xác định được số tiền cụ thể và trả thường xuyên cùng với mức lương được thỏa thuận trong hợp đồng ở mỗi kỳ trả lương.
Có thể thấy, tiền lương đóng BHXH là những khoản tiền cụ thể được xác định trong hợp đồng lao động, mang tính chất cố định, được chi trả thường xuyên ở mỗi kỳ trả lương.
Như vậy, các bên chỉ được đóng BHXH dựa trên các khoản tiền đã được thỏa thuận cụ thể, rõ ràng trong hợp đồng lao động chứ không được tự ý chọn đóng BHXH với mức lương cao hơn.
Trường hợp đồng ý cho người lao động đóng BHXH ở mức cao hơn, công ty sẽ phải kê khai mức lương đóng BHXH cao hơn so với hợp đồng lao động. Lúc này, người sử dụng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo khoản 5 Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP như sau:
5. Phạt tiền từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
b) Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đúng mức quy định mà không phải là trốn đóng;
Theo đó, công ty sẽ bị phạt từ 12 -15% tổng số tiền BHXH bắt buộc phải đóng nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng.
Sửa hợp đồng để nhân viên đóng BHXH ở mức cao, công ty có gặp rủi ro?
Trường hợp muốn đóng BHXH ở mức cao, người lao động và người sử dụng lao động sẽ phải sửa hợp đồng lao động hoặc ký hợp đồng lao động mới, trong đó điều chỉnh tăng mức lương đã thỏa thuận. Sau đó, người sử dụng lao động phải tiến hành thủ tục điều chỉnh tiền lương đóng BHXH theo mức lương mới.
Trường hợp đồng ý sửa hợp đồng để người lao động có cơ hội được đóng BHXH ở mức cao hơn, phía công ty có thể gặp phải một số rủi ro sau:
- Người lao động đổi ý không chịu đóng thêm tiên bù cho số tiền đóng BHXH ở mức cao thì công ty sẽ phải bỏ thêm chi phí để đóng BHXH hằng tháng. Bởi nếu không đóng theo mức lương trong hợp đồng, công ty sẽ bị phạt từ 12% - 15% số tiền BHXH phải đóng, đồng thời còn bị buộc đóng đủ tiền bảo hiểm và trả thêm tiền lãi.
- Trường hợp có xảy ra tranh chấp về tiền lương, chấm dứt hợp đồng lao động, các bên sẽ phải thực hiện theo hợp đồng mới nhất được thỏa thuận. Khi đó, công ty sẽ phải trả lương, bồi thường theo mức mới mà các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động.
Chính vì những nguyên nhân này mà trên thực tế, có rất ít người sử dụng lao đồng đồng ý thỏa thuận nâng mức lương khi người lao động có nhu cầu đóng BHXH ở mức cao hơn.
Trên đây là tư vấn của luật sư đối với vấn đề “ Đóng bảo hiểm cao để hưởng lương hưu cao được không và rùi ro của doanh nghiệp khi sửa hợp đồng cho nhân viên đóng bảo hiểm cao”. Hy vọng đã giải đáp được thắc mắc cho quý vị và các bạn về vấn đề này.
Quý vị và các bạn cần tư vấn pháp luật dân sự, lao động, hình sự, hành chính,...có thể liên hệ luật sư qua thông tin sau:
CÔNG TY LUẬT NHÂN HOÀ
Địa chỉ: 2 Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước, Tp. Thủ Đức, Tp.Hồ Chí Minh
Hotline: 0915.27.05.27
Email: luatsunhanhoa@gmail.com
Trân trọng!