DI CHÚC CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI LÀ GÌ? CÓ CẦN PHẢI CÔNG CHỨNG CHỨNG THỰC KHÔNG?

1. Thế nào là di chúc có yếu tố nước ngoài?

Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.

Theo quy định tại Điều 663 BLDS 2015 quy định quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài (YTNN) là một trong những quan hệ thuộc trường hợp sau:

- Có ít nhất một trong các bên tham gia là cá nhân, pháp nhân nước ngoài;

- Các bên tham gia đều là công dân Việt Nam; pháp nhân có quốc tịch Việt Nam nhưng việc xác lập, thay đổi, thực hiện; hoặc chấm dứt quan hệ đó xảy ra tại nước ngoài;

- Các bên tham gia đều công dân Việt Nam; người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhưng đối tượng của quan hệ dân sự đó ở nước ngoài.

Như vậy, di chúc có yếu tố nước ngoài có thể hiểu là một trong các trường hợp sau: Người để lại di sản là người nước ngoài hoặc là người Việt Nam định cư ở nước ngoài; Người thừa kế tài sản là người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài; Tài sản thừa kế ở nước ngoài.

2. Điều kiện di chúc có yếu tố nước ngoài có hiệu lực

Theo quy định tại Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015, di chúc được coi là hợp pháp nếu:

- Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc;

- Người lập di chúc không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép;

- Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội;

- Hình thức di chúc không trái quy định của luật.

Trong đó, di chúc bằng văn bản có thể được công chứng, chứng thực, có người làm chứng hoặc không có người làm chứng; Nếu không có người làm chứng thì người để lại di chúc phải tự viết và ký tên;

Di chúc miệng phải có ít nhất 02 người làm chứng và 02 người này phải ký tên, điểm chỉ vào bản di chúc miệng đó.

Ngoài ra, Điều 638 Bộ luật Dân sự 2015 nêu rõ, di chúc của công dân Việt Nam đang ở nước ngoài có chứng nhận của cơ quan lãnh sự, đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước đó thì có giá trị như di chúc được công chứng, chứng thực.

Do đó, nếu công dân Việt Nam đang ở nước ngoài, không có điều kiện để trở về Việt Nam thực hiện việc lập di chúc thì có thể đến cơ quan lãnh sự, đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài để lập di chúc.

Lúc này, di chúc vẫn có giá trị và được coi là hợp pháp ở Việt Nam nếu việc lập di chúc đảm bảo các điều kiện nêu trên.

3. Người nước ngoài có thể lập di chúc ở Việt Nam?

Theo quy định tại Điều 625 Bộ luật Dân sự 2015, người lập di chúc là người thành niên, minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình.

Theo đó, Điều 681 Bộ luật Dân sự 2015 quy định hình thức của di chúc được xác định theo pháp luật của nước nơi di chúc được lập.

Do đó, không hề có điều khoản nào cấm người nước ngoài không được lập di chúc tại Việt Nam.

Tuy nhiên, để di chúc đó có hiệu lực tại Việt Nam thì bắt buộc hình thức của di chúc phải phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và năng lực pháp luật của người lập di chúc phải phù hợp theo pháp luật của nước người đó có quốc tịch.

4. Di chúc bằng tiếng nước ngoài có công chứng không?

Trước đây, Điều 649 Bộ luật Dân sự 2005 quy định, di chúc được lập thành văn bản và người thuộc dân tộc thiểu số có quyền lập di chúc bằng chữ viết và tiếng nói của dân tộc mình.

Đến Điều 627 Bộ luật Dân sự 2015 đã bỏ quy định về di chúc của người dân tộc thiểu số. Theo đó, pháp luật chỉ quy định di chúc có thể được lập thành văn bản hoặc di chúc miệng mà không giới hạn về chữ viết và ngôn ngữ.

Do vậy, pháp luật hiện hành không có quy định cấm người Việt Nam được lập di chúc bằng tiếng nước ngoài. Do đó, vẫn có thể lập di chúc bằng tiếng nước ngoài theo đúng trình tự, thủ tục của pháp luật.

Tuy nhiên, nếu di chúc được công chứng, chứng thực thì phải sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt bởi Điều 6 Luật Công chứng 2014, tiếng nói và chữ viết dùng trong công chứng là tiếng Việt.

Lúc này, người yêu cầu công chứng có thể dịch bản di chúc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt và công chứng, chứng thực như bình thường hoặc có thêm người làm chứng.

Do đó, nếu di chúc không công chứng, chứng thực thì có thể dùng ngôn ngữ nước ngoài tuy nhiên vẫn khuyến khích nên dùng tiếng Việt để tránh nhầm lẫn nội dung di chúc. Còn di chúc qua công chứng thì bắt buộc phải là tiếng Việt.

Không chỉ vậy, khi công bố di chúc, Điều 672 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, di chúc được lập bằng tiếng nước ngoài phải được dịch ra tiếng Việt và phải có chứng thực hoặc công chứng.

Như vậy, luật Việt Nam không cấm dùng ngoại ngữ để lập di chúc nhưng khi di chúc có hiệu lực pháp luật thì phải được công chứng, chứng thực và dịch ra tiếng Việt để tránh nhầm lẫn về nội dung của di chúc.

Trên đây là tư vấn của luật sư đối với vấn đề “Di chúc có yếu tố nước ngoài là gì? Có bắt buộc phải công chứng chứng thực không?”. Hy vọng đã giúp ích được cho quý vị và các bạn trong việc giải quyết vấn đề trên.

Quý vị và các bạn cần tư vấn pháp luật thừa kế, khai nhận di sản thừa kế, giải quyết tranh chấp thừa kế,... có thể liên hệ luật sư qua thông tin sau:

CÔNG TY LUẬT NHÂN HOÀ

Địa chỉ: 2 Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước, Tp. Thủ Đức, Tp.Hồ Chí Minh

Hotline: 0915.27.05.27

Email: luatsunhanhoa@gmail.com

Trân trọng!

 


Bài viết xem thêm