CHI PHÍ CƯỠNG CHẾ THU HỒI ĐẤT SẼ DO AI CHỊU?

1. Cưỡng chế thu hồi đất là gì?

Cưỡng chế thu hồi đất là thủ tục được tiến hành khi chủ thể bị thu hồi đất không tự nguyện giao đất, nên các cơ quan có thẩm quyền tiến hành thu hồi đất theo quyết định thu hồi đất và quyết định cưỡng chế thu hồi đất đã ban hành. Để tổ chức thu hồi đất, thì cần phải có sự tham gia của nhiều chủ thể, nên cần phải có kinh phí để trả cho những chủ thể tham gia cưỡng chế thu hồi đất này.

2. Kinh phí cưỡng chế thu hồi đất

Kinh phí cưỡng chế thu hồi đất hiểu đơn giản chính là những chi phí cần phải trả khi thực hiện hoạt động cưỡng chế thu hồi đất. Hoạt động thu hồi đất nói chung và cưỡng chế thu hồi đất nói riêng cần huy động nhiều nhân lực tham gia và nó cũng phải trải qua những giai đoạn nhất định. Những chi phí phát sinh trong hoạt động cưỡng chế thu hồi đất được liệt kê tại Khoản 2 Điều 4 Thông tư số 74/2015/TT- BTC ngày 15 tháng 05 năm 2015 do Bộ Tài chính ban hành hướng dẫn việc lập dự toán, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất gồm:

– Chi phí thông báo, tuyên truyền vận động các đối tượng thực hiện quyết định cưỡng chế thu hồi đất;

– Chi phí mua nguyên liệu, nhiên liệu, thuê phương tiện, thiết bị bảo vệ, y tế, phòng chống cháy nổ, các thiết bị, phương tiện cần thiết khác phục vụ cho việc thực hiện cưỡng chế thu hồi đất;

– Chi phục vụ công tác tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất;

– Chi phí niêm phong, phá, tháo dỡ, vận chuyển tài sản; di chuyển người bị cưỡng chế và người có liên quan ra khỏi khu đất cưỡng chế, chi thuê địa điểm, nhân công, phương tiện bảo quản tài sản và các khoản chi phí thực tế hợp pháp khác phục vụ trực tiếp cho việc thực hiện bảo quản tài sản khi thực hiện cưỡng chế thu hồi đất trong trường hợp chủ sở hữu tài sản không thanh toán;

– Chi cho công tác quay phim, chụp ảnh phục vụ cho việc thực hiện cưỡng chế thu hồi đất;

– Chi phí bảo vệ, chống tái chiếm đất sau khi tổ chức thực hiện cưỡng chế thu hồi đất của thửa đất cưỡng chế thu hồi đến thời điểm hoàn thành việc giải phóng mặt bằng;

– Các nội dung chi khác có liên quan trực tiếp đến việc tổ chức thực hiện cưỡng chế kiểm đếm, cưỡng chế thu hồi đất.

Đây là những chi phí cần thiết để chi trả cho hoạt động cưỡng chế thu hồi đất, nó phát sinh từ các hoạt động thực tiễn trong cưỡng chế thu hồi đất như hoạt động thông báo, tháo dỡ tài sản, bảo quản tài sản, quay phim, chụp ảnh,…

3. Chi phí cưỡng chế thu hồi đất do ai chịu?

Theo quy định tại Điều 7 Thông tư 61/2022/TT-BTC, tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường hoặc chủ đầu tư sẽ chịu trách nhiệm thanh toán chi phí tổ chức cưỡng chế thu hồi đất.

Cụ thể, theo khoản 3 Điều 7 Thông tư này, việc sử dụng, thanh toán kinh phí tổ chức thực hiện cưỡng chế thu hồi đất thực hiện như sau:

- Đối với các dự án, tiểu dự án do Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư: Việc sử dụng, thanh, quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện cưỡng chế thu hồi đất thực hiện như quy định đối với kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và cưỡng chế kiểm đếm tại khoản 2 Điều 6 Thông tư 61/2022/TT-BTC.

- Đối với các dự án, tiểu dự án do Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường là đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư: Kinh phí tổ chức thực hiện cưỡng chế thu hồi đất theo dự toán đã được phê duyệt là nguồn thu của Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường.

Theo đó, nguồn thu này được tổng hợp chung vào nguồn thu của đơn vị và được sử dụng, thanh, quyết toán theo cơ chế tài chính áp dụng đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

4. Thủ tục cưỡng chế thu hồi đất thực hiện thế nào?

Theo khoản 4 Điều 71 Luật Đất đai 2013, quá trình cưỡng chế thu hồi đất được thực hiện như sau:

Bước 1: Thành lập Ban thực hiện cưỡng chế

Chủ tịch UBND cấp huyện sẽ quyết định thành lập Ban thực hiện cưỡng chế.

Bước 2: Vận động, thuyết phục, đối thoại với người bị cưỡng chế

Theo đó:

- Nếu người bị cưỡng chế chấp hành: Ban thực hiện cưỡng chế lập biên bản ghi nhận sự chấp hành. Việc bàn giao đất được thực hiện chậm nhất sau 30 ngày kể từ ngày lập biên bản.

- Nếu người bị cưỡng chế không chấp hành quyết định cưỡng chế: Tổ chức thực hiện cưỡng chế.

Bước 3: Tổ chức cưỡng chế thu hồi đất

- Ban thực hiện cưỡng chế có quyền buộc người bị cưỡng chế và những người có liên quan phải ra khỏi khu đất cưỡng chế, tự chuyển tài sản ra khỏi khu đất cưỡng chế.

Trường hợp không thực hiện thì Ban thực hiện cưỡng chế có trách nhiệm di chuyển người bị cưỡng chế và người có liên quan cùng tài sản ra khỏi khu đất cưỡng chế.

- Trường hợp người bị cưỡng chế từ chối nhận tài sản thì Ban thực hiện cưỡng chế phải lập biên bản, tổ chức thực hiện bảo quản tài sản theo quy định của pháp luật và thông báo cho người có tài sản nhận lại tài sản.

Trên đây là tư vấn của luật sư đối với vấn đề “Chi phí cưỡng chế thu hồi đất do ai chịu?”. Hy vọng đã giúp ích được cho quý vị và các bạn trong việc giải quyết vấn đề trên.

Quý vị và các bạn cần tư vấn pháp luật về đất đai, thực hiện các thủ tục pháp lý nhà đất, giải quyết tranh chấp đất đai,... có thể liên hệ luật sư qua thông tin sau:

CÔNG TY LUẬT NHÂN HOÀ

Địa chỉ: 2 Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước, Tp. Thủ Đức, Tp.Hồ Chí Minh

Hotline: 0915.27.05.27

Email: luatsunhanhoa@gmail.com

Trân trọng!

 

 


Bài viết xem thêm