LÀM THỦ TỤC ĐĂNG KÝ KẾT HÔN TẠI QUÊ CHỒNG HAY QUÊ VỢ?

1. Điều kiện để đăng kết hôn đúng quy định pháp luật:

Căn cứ theo quy định tại Điều 8 và Điều 9 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 như sau:

"Điều 8. Điều kiện kết hôn

1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:

a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;

b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;

c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;

d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.

2. Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.

Điều 9. Đăng ký kết hôn

1. Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về hộ tịch.

Việc kết hôn không được đăng ký theo quy định tại khoản này thì không có giá trị pháp lý.

2. Vợ chồng đã ly hôn muốn xác lập lại quan hệ vợ chồng thì phải đăng ký kết hôn."

Theo đó, để có thể đăng ký kết hôn đúng pháp luật thì đầu tiền phải đảm bảo được điều kiện để kết hôn như:

- Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;

- Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;

- Không bị mất năng lực hành vi dân sự;

- Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn.

Khi đáp ứng được các điều kiện trên thì được phép đăng ký kết hôn.

2. Đăng ký kết hôn tại quê vợ hay quê chồng?

Điều 17 Luật hộ tịch 2014 quy định Thẩm quyền đăng ký kết hôn như sau:

“1. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của một trong hai bên nam, nữ thực hiện đăng ký kết hôn.

2. Giấy chứng nhận kết hôn phải có các thông tin sau đây:

a) Họ, chữ đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; dân tộc; quốc tịch; nơi cư trú; thông tin về giấy tờ chứng minh nhân thân của hai bên nam, nữ;

b) Ngày, tháng, năm đăng ký kết hôn;

c) Chữ ký hoặc điểm chỉ của hai bên nam, nữ và xác nhận của cơ quan đăng ký hộ tịch.”

Theo quy định tại Điều 12 Luật Cư trú 2006 thì nơi cư trú của công dân là chỗ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống. Nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú. Chỗ ở hợp pháp là nhà ở, phương tiện hoặc nhà khác mà công dân sử dụng để cư trú. Nơi thường trú là nơi công dân sinh sống thường xuyên, ổn định, không có thời hạn tại một chỗ ở nhất định và đã đăng ký thường trú như: Nhà ở; Tàu, thuyền, phương tiện khác nhằm mục đích để ở và phục vụ sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân; Nhà khác được sử dụng nhằm mục đích để ở và phục vụ sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân. Nơi tạm trú là nơi công dân sinh sống ngoài nơi đăng ký thường trú mang tính chất sinh sống trong một thời hạn nhất định và đã đăng ký tạm trú.

Theo Luật hộ tịch 2014 thì hai bên nam, nữ nộp tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu quy định cho cơ quan đăng ký hộ tịch và cùng có mặt khi đăng ký kết hôn.

Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định, nếu thấy đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình, công chức tư pháp – hộ tịch ghi sự kiện đăng ký kết hôn và yêu cầu hai bên nam nữ ký vào Sổ hộ tịch. Giấy chứng nhận kết hôn phải có chữ ký của hai bên vợ chồng và chữ ký xác nhận của người có thẩm quyền, sau đó công chức tư pháp-hộ tịch sẽ trao Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn cho hai vợ chồng. Trường hợp cần xác minh điều kiện kết hôn của hai bên nam, nữ thì thời hạn giải quyết không quá 05 ngày làm việc.

Như vậy, theo quy định pháp luật, việc đăng ký kết hôn được thực hiện tại ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của một trong hai bên nam, nữ thực hiện đăng ký kết hôn, có thể là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú.

3. Kết hôn xong có bị cắt khẩu không?

Khoản 1 Điều 22 Luật Cư trú 2006 quy định các trường hợp cá nhân bị xóa đăng ký thường trú gồm có:

“Điều 22. Xoá đăng ký thường trú

1. Người thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị xoá đăng ký thường trú:

a) Chết, bị Toà án tuyên bố là mất tích hoặc đã chết;

b) Được tuyển dụng vào Quân đội nhân dân, Công an nhân dân ở tập trung trong doanh trại;

c) Đã có quyết định huỷ đăng ký thường trú quy định tại Điều 37 của Luật này;

d) Ra nước ngoài để định cư;

đ) Đã đăng ký thường trú ở nơi cư trú mới; trong trường hợp này, cơ quan đã làm thủ tục đăng ký thường trú cho công dân ở nơi cư trú mới có trách nhiệm thông báo ngay cho cơ quan đã cấp giấy chuyển hộ khẩu để xoá đăng ký thường trú ở nơi cư trú cũ.”

Theo quy định nêu trên thì không có quy định nào quy định cá nhân đăng ký kết hôn tại nơi mới thì sẽ bị xóa đăng ký thường trú hiện tại. Vì vậy sau khi kết hôn việc nhập khẩu về nhà chồng hay ngược lại là do ý muốn của cá nhân sau khi kết hôn, pháp luật không điều chỉnh trong trường hợp này.

Trên đây là tư vấn của luật sư đối với vấn đề “ Đăng ký kết hôn ở quê vợ hay quê chồng?”. Hy vọng đã giải đáp được thắc mắc cho quý vị và các bạn về vấn đề này.

Quý vị và các bạn cần tư vấn pháp luật hôn nhân, dân sự, lao động, hình sự, hành chính,...có thể liên hệ luật sư qua thông tin sau:

CÔNG TY LUẬT NHÂN HOÀ

Địa chỉ: 2 Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước, Tp. Thủ Đức, Tp.Hồ Chí Minh

Hotline: 0915.27.05.27

Email: luatsunhanhoa@gmail.com

Trân trọng!

 

 


Bài viết xem thêm