THỦ TỤC THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN

1. Doanh nghiệp tư nhân là gì?

Điều 188 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định về các dấu hiệu nhận diện doanh nghiệp tư nhân như sau:

“Điều 188. Doanh nghiệp tư nhân

1. Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.

2. Doanh nghiệp tư nhân không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.

3. Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên hợp danh của công ty hợp danh.

4. Doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.”

Doanh nghiệp tư nhân là một loại hình doanh nghiệp (Khái niệm doanh nghiệp, kinh doanh được quy định tại khoản 7, khoản 16 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2014: Doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh. Kinh doanh là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sàn xuất đến tiêu thụ sàn phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi. Tuy nhiên, so với các tiêu chí nhận diện doanh nghiệp tại khái niệm trên thi doanh nghiệp tư nhân không đáp ứng tiêu chí về tài sản) nên giống như những doanh nghiệp kinh doanh khác, doanh nghiệp tư nhân là tổ chức có tên riêng được nhà nước thừa nhận thông qua việc nhà nước cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; mục đích của doanh nghiệp tư nhân là thường xuyên, liên tục thực hiện hoạt động kinh doanh tìm kiếm lợi nhuận.

2. Điều kiện để thành lập doanh nghiệp tư nhân

Căn cứ theo quy định tại Điều 27 Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì điều kiện để thành lập được doanh nghiệp tư nhân phải đáp ứng đủ các điều kiện chung cũng như điều kiện riêng theo quy định như sau;

Về điều kiện chung:

  • Tên doanh nghiệp không được trùng với doanh nghiệp khác, không gây nhầm lẫn với các doanh nghiệp khác trên cả nước.
  • Trụ sở chính của công ty đặt trên lãnh thổ Việt Nam, có quyền sử dụng hợp pháp, có địa chỉ rõ ràng, không nằm trong khu quy hoạch của địa phương.
  • Ngành nghề kinh doanh phải là những ngành nghề không bị cấm và không vi phạm đạo đức.
  • Vốn đầu tư doanh nghiệp tư nhân đảm bảo vốn pháp định đối với ngành nghề yêu cầu.
  • Có nguồn vốn đầu tư chính xác...

Về điều kiện riêng:

  • Doanh nghiệp tư nhân không được phát hành loại chứng khoán nào.
  • Doanh nghiệp tư nhân duy nhất do một cá nhân làm chủ và mỗi một cá nhân chỉ được làm chủ một doanh nghiệp tư nhân.
  • Không được kêu gọi vốn góp thành lập hoạch mua cổ phần vốn góp trong công ty khác.

Theo đó, doanh nghiệp tư nhân có những đặc điểm đặc trưng khác biệt hoàn toàn với loại hình doanh nghiệp khác được pháp luật quy định.

3. Thủ tục thành lập doanh nghiệp tư nhân

- Về hồ sơ cần chuẩn bị khi thực hiện thủ tục thành lập doanh nghiệp như sau:

  • Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
  • Bản sao các giấy tờ pháp lý của cá nhân như: CCCD, CMND hoặc hộ chiếu.
  • Giấy cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường (đối với doanh nghiệp xã hội)

- Về thủ tục thực hiện:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ và nộp hồ sơ

Người nộp hồ sơ chuẩn bị hồ sơ theo hướng dẫn ở mục trên.

Người thành lập doanh nghiệp hay người được uỷ quyền thực hiện đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân có thể lựa chọn một trong các hình thức nộp hồ sơ cho cơ quan đăng ký kinh doanh sau đây:

  • Nộp hồ sơ trực tiếp tại Phòng đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch Đầu tư nơi doanh nghiệp tư nhân đặt trụ sở chính.
  • Nộp qua phương thức bưu chính viễn thông.
  • Nộp qua cổng thông tin điện tử theo quy trình trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Bước 2: Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết hồ sơ.

+ Đối với trường hợp nộp trực tiếp: Phòng đăng ký kinh doanh sau khi nhận hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân sẽ trao giấy biên nhận về việc nhận hồ sơ cho người nộp hồ sơ.

Sau khi trao giấy biên nhận, phòng đăng ký kinh doanh nhập chính xác và đầy đủ thông tin có trong hồ sơ sau đó, kiểm tra tính chính xác và hợp lệ của hồ sơ và tiến hành số hóa vào trong hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký thành lập doanh nghiệp.

Hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân chỉ được tiếp nhận và nhập thông tin vào hệ thống thông tin của quốc gia khi đủ các điều kiện sau đây:

  • Có đủ các giấy tờ được quy định trong Điều 21 Nghị định 01/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
  • Tên doanh nghiệp đã được điền trong đơn đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
  • Có địa chỉ liên lạc của người nộp hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân.
  • Đã đóng đủ các loại phí, lệ phí theo quy định.

Trong trường hợp hồ sơ không hợp lệ hoặc sai sót về tên doanh nghiệp tư nhân yêu cầu đăng ký không đúng với quy định, phòng đăng ký kinh doanh phải thông báo cho người nộp hồ sơ bằng văn bản nội dung cần sửa đổi hoặc bổ sung trong thời gian 03 ngày làm việc tiếp theo.

Trong trường hợp hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân không đủ điều kiện và phải từ chối thực hiện thủ tục này thì Phòng kinh doanh phải ra thông báo bằng văn bản trong đó nêu rõ lý do từ chối cho người đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân.

+ Đối với trường hợp nộp qua thư điện tử

Người nộp hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân sử dụng tài khoản cá nhân để kê khai thông tin, tải văn bản điện tử và tiến hành ký xác nhận hồ sơ qua cổng thông tin điện tử và thanh toán phí, lệ phí theo quy trình trên cổng thông tin quốc gia về doanh nghiệp.

Sau khi hoàn thành việc gửi hồ sơ đăng ký trực tuyến, người nộp hồ sơ nhận giấy biên nhận qua cổng thông tin điện tử.

Phòng đăng ký kinh doanh cấp chứng nhận trong trường hợp hồ sơ đáp ứng đủ điều kiện và thông báo cho người thành lập doanh nghiệp về việc cấp giấy chứng nhận. Trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện hoặc có sai sót thì phòng đăng ký kinh doanh ra thông báo bằng văn bản cho người đăng ký để yêu cầu sửa đổi, bổ sung.

Bước 3: Nhận kết quả từ Phòng đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch Đầu tư.

Phòng đăng ký kinh doanh tiến hành cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp tư nhân trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ giấy tờ đầy đủ và hợp lệ.

Bước 4: Công bố thông tin doanh nghiệp tư nhân.

Sau khi hoàn thành hồ sơ và được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp sẽ bắt buộc phải thực hiện việc công bố thông tin doanh nghiệp trên cổng thông tin quốc gia. Thời hạn để thực hiện là 30 ngày tính từ ngày được cấp giấy chứng nhận.

Trường hợp quá thời hạn 30 ngày mà doanh nghiệp không thực hiện việc công bố thông tin doanh nghiệp theo quy định thì cơ quan có thẩm quyền sẽ áp dụng các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính theo các quy định của pháp luật.

Trên đây là tư vấn của luật sư đối với vấn đề “ Điều kiện thủ tục thành lập doanh nghiệp tư nhân”. Hy vọng đã giải đáp được thắc mắc cho quý vị và các bạn về vấn đề này.

Quý vị và các bạn cần tư vấn pháp luật dân sự, doanh nghiệp, lao động, hình sự, hành chính,...có thể liên hệ luật sư qua thông tin sau:

CÔNG TY LUẬT NHÂN HOÀ

Địa chỉ: 2 Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước, Tp. Thủ Đức, Tp.Hồ Chí Minh

Hotline: 0915.27.05.27

Email: luatsunhanhoa@gmail.com

Trân trọng!

 


Bài viết xem thêm