CÁC TRƯỜNG HỢP NÀO THÌ NHÀ XÂY DỰNG TRÁI PHÉP ĐƯỢC HỢP THỨC HÓA?

1. Hợp thức hóa nhà ở xây dựng trái phép là gì?

- Hợp thức hóa nhà ở xây dựng không phép là thủ tục do tổ chức, cá nhân xây dựng nhà ở mà không có giấy phép xây dựng thực hiện để đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng sau khi bị xử phạt vi phạm hành chính.

- Hợp thức hóa nhà ở xây dựng trái phép là thủ tục do tổ chức, cá nhân xây dựng nhà ở trái với nội dung giấy phép xây dựng được cấp thực hiện để đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng điều chỉnh sau khi bị xử phạt vi phạm hành chính.

2. Khi nào thì nhà ở xây dựng trái phép, không phép được hợp thức hóa

Ngày 28/01/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 16/2022/NĐ-CP về xử lý vi phạm hành chính về xây dựng.

Theo Điều 81 Nghị định 16, các vi phạm quy định tại khoản 4, khoản 6, khoản 7 và khoản 8 Điều 16 Nghị định này thuộc trường hợp đủ điều kiện cấp phép xây dựng hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng hoặc điều chỉnh thiết kế xây dựng mà đang thi công, bao gồm:

- Tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp đối với trường hợp cấp phép sửa chữa, cải tạo, di dời công trình và giấy phép xây dựng có thời hạn;

- Tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp đối với trường hợp cấp giấy phép xây dựng mới;

- Tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng;

- Xây dựng công trình không đúng thiết kế xây dựng được thẩm định trong trường hợp được miễn giấy phép xây dựng.

Với những trường hợp nêu trên, nếu đủ điều kiện cấp phép xây dựng hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng hoặc điều chỉnh thiết kế xây dựng mà đang thi công thì có thể được hợp thức hóa.

Nghị định 16/2022 có hiệu lực từ ngày 28/01/2022.

3. Thủ tục hợp thức hóa nhà ở không phép, trái phép

3.1. Hồ sơ:

Căn cứ tại điểm a khoản 1 Điều 102 Luật Xây dựng 2014, khoản 2 Điều 51 Nghị định 15/2021/NĐ-CP quy định hồ sơ hợp thức hóa nhà xây dựng trái phép (Hồ sơ đề nghị điều chỉnh giấy phép xây dựng) như sau:

- Đơn đề nghị điều chỉnh giấy phép xây dựng theo Mẫu số 02 Phụ lục II Nghị định này;

- Bản chính giấy phép xây dựng đã được cấp;

- 02 bộ bản vẽ thiết kế xây dựng trong hồ sơ thiết kế xây dựng điều chỉnh triển khai sau thiết kế cơ sở được phê duyệt theo quy định của pháp luật về xây dựng tương ứng theo quy định tại Điều 43, Điều 44, Điều 45, Điều 46 hoặc Điều 47 Nghị định này;

- Báo cáo kết quả thẩm định và văn bản phê duyệt thiết kế xây dựng điều chỉnh (trừ nhà ở riêng lẻ) của chủ đầu tư, trong đó phải có nội dung về bảo đảm an toàn chịu lực, an toàn phòng, chống cháy, nổ, bảo vệ môi trường.

Số lượng hồ sơ: 02 bộ.

3.2. Trình tự thực hiện

Theo quy định tại khoản 1 Điều 102 Luật Xây dựng 2014 (được sửa đổi bởi khoản 36 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020) và Điều 81 Nghị định 16/2022/NĐ-CP về thủ tục hợp thức hóa nhà đang thi công xây dựng trái phép như sau:

Bước 1: Nộp hồ sơ đề nghị điều chỉnh giấy phép xây dựng

Bước 2: Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng tiếp nhận hồ sơ điều chỉnh giấy phép xây dựng.

Bước 3: Thẩm định hồ sơ, giải quyết

Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng phải tổ chức thẩm định hồ sơ, kiểm tra thực địa.

Khi thẩm định hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền phải xác định tài liệu còn thiếu, tài liệu không đúng theo quy định hoặc không đúng với thực tế để thông báo một lần bằng văn bản cho chủ đầu tư bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ.

Trường hợp hồ sơ bổ sung chưa đáp ứng được yêu cầu theo văn bản thông báo thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm thông báo bằng văn bản hướng dẫn cho chủ đầu tư tiếp tục hoàn thiện hồ sơ.

Chủ đầu tư có trách nhiệm bổ sung, hoàn thiện hồ sơ theo văn bản thông báo.

Trường hợp việc bổ sung hồ sơ vẫn không đáp ứng được các nội dung theo thông báo thì trong thời hạn 03 ngày làm việc, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm thông báo đến chủ đầu tư về lý do không cấp giấy phép;

Bước 4: Trả kết quả và cấp giấy phép

Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng có trách nhiệm đối chiếu các điều kiện theo quy định của Luật này để gửi văn bản lấy ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về những lĩnh vực liên quan đến công trình xây dựng theo quy định của pháp luật;

- Kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng phải xem xét hồ sơ để cấp giấy phép trong thời gian 20 ngày đối với trường hợp cấp giấy phép xây dựng công trình, bao gồm cả giấy phép xây dựng có thời hạn, giấy phép xây dựng điều chỉnh, giấy phép di dời và trong thời gian 15 ngày đối với nhà ở riêng lẻ.

- Trường hợp đến thời hạn cấp giấy phép nhưng cần phải xem xét thêm thì cơ quan cấp giấy phép xây dựng phải thông báo bằng văn bản cho chủ đầu tư biết lý do, đồng thời báo cáo cấp có thẩm quyền quản lý trực tiếp xem xét và chỉ đạo thực hiện, nhưng không được quá 10 ngày kể từ ngày hết hạn theo quy định tại khoản này.

Trên đây là chia sẻ của luật sư về các quy định pháp luật về vấn đề “ Trường hợp nào thì xây nhà trái phép được hợp thức hoá”. Hy vọng sẽ giúp quý vị và các bạn hiểu rõ hơn các quy định pháp luật về vấn đề này.

Quý vị và các bạn cần tư vấn pháp luật, giải quyết tranh chấp dân sự, đất đai, hôn nhân gia đình, thừa kế,...vui lòng liên hệ với chúng tôi theo thông tin sau:

CÔNG TY LUẬT NHÂN HOÀ

Địa chỉ: 2 Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước, Tp. Thủ Đức, Tp. Hồ Chí Minh

Hotline: 0915.27.05.27

Email: luatsunhanhoa@gmail.com

Trân trọng!

 


Bài viết xem thêm