CHỨNG THỰC ĐIỆN TỬ LÀ GÌ? THỦ TỤC CHỨNG THỰC ĐIỆN TỬ

1. Chứng thực điện tử là gì?

Chứng thực bản sao điện tử từ bản chính hay chứng thức điện tử là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền căn cứ vào bản chính dạng văn bản giấy để chứng thực bản sao bằng hình thức điện tử là đúng với bản chính - theo giải thích tại khoản 9 Điều 3 Nghị định 45/2020/NĐ-CP.

Trong đó, tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 45/2020 quy định, thủ tục chứng thực điện tử có giá trị pháp lý như các hình thức khác theo quy định của pháp luật. Tức là, bản sao chứng thực điện tử cũng có giá trị như bản sao được chứng thực trưc tiếp trên giấy in.

Tùy từng trường hợp mà văn bản chứng thực sẽ có giá trị pháp lý khác nhau, cụ thể:

- Bản sao được cấp từ sổ gốc và bản sao được chứng thực từ bản chính có giá trị sử dụng thay cho bản chính trong các giấy tờ.

- Chữ ký được chứng thực có giá trị chứng minh người yêu cầu chứng thực đã ký chữ ký đó và là căn cứ để xác định trách nhiệm của người ký giấy tờ, văn bản.

- Hợp đồng, giao dịch được chứng thực có giá trị chứng cứ chứng minh về thời gian, địa điểm các bên đã ký kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch.

2. Thẩm quyền giải quyết và giá trị pháp lý của chứng thực điện tử

Theo Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định thẩm quyền chứng thực bản sao điện tử từ bản chính như sau:

- Phòng Tư pháp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc có thẩm quyền và trách nhiệm chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức của Việt Nam; cơ quan, tổ chức của nước ngoài; cơ quan, tổ chức của Việt Nam liên kết với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp hoặc chứng nhận.

- Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn có thẩm quyền và trách nhiệm chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp hoặc chứng nhận.

Có thể thấy, chứng thực điện tử dù là thực hiện thông qua hình thức trực tuyến, tuy nhiên vẫn là do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đảm bảo thực hiện, có giá trị pháp lý. 

Đồng thời, theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định 45/2020/NĐ-CP thì các thủ tục hành chính được thực hiện, thao tác, tiến hành trên môi trường điện tử cũng có giá trị pháp lý như các hình thức thủ tục hành chính khác theo quy định pháp luật. 

3. Thủ tục chứng thực điện tử

Người dân có thể đăng ký chứng thực điện tử ngay trên Cổng dịch vụ công quốc gia theo quy trình như sau:

Bước 1: Truy cập vào website của Cổng dịch vụ công quốc gia tại địa chỉ: https://dichvucong.gov.vn/, sau đó, đăng nhập tài khoản, chọn “Dịch vụ công trực tuyến”. Nếu chưa có tài khoản Dịch vụ công, chọn “Đăng ký tài khoản” và chọn “Dịch vụ công trực tuyến”.

Bước 2: Ở cột bên phải màn hình ở phần “Dịch vụ công nổi bật”, ấn chọn “Xem tất cả dịch vụ công nổi bật”.

Bước 3: Trên màn hình sẽ xuất hiện các dịch vụ để người dân lựa chọn. Tùy thuộc vào nhu cầu chứng thực để lựa chọn thủ tục, dịch vụ chứng thực cho phù hợp.

Bước 4: Sau khi đã chọn thủ tục, người dân thực hiện điền thông tin theo yêu cầu. Tại đây, hiện lên các thông tin yêu cầu, trình tự cung cấp hồ sơ, văn bản tài liệu chứng thực. Người thực hiện đọc kỹ thông tin và làm theo yêu cầu, sau đó chọn cơ quan Tư pháp để thực hiện thủ tục này. 

Lưu ý: Hiện nay chỉ có 02 cơ quan nhà nước là Ủy ban nhân dân cấp xã/phường hoặc Phòng tư pháp thực hiện chứng thực điện tử. Các cơ quan, đơn vị khác thực hiện thủ tục chứng thực sẽ cung cấp sau.

Sau khi đã điền các thông tin cần thiết theo yêu cầu, người dân chọn Cơ quan, tổ chức phù hợp và chọn “Đồng ý”.

Bước 5: Sau khi đã chọn “Đồng ý”, màn hình sẽ hiển thị thông tin của người yêu cầu chứng thực và yêu cầu chọn ngày hẹn, giờ hẹn cụ thể. Người dân thực hiện điền theo hướng dẫn và chọn “Đặt lịch hẹn”. Tiếp đó, màn hình hiển thị “Đặt lịch hẹn và xác nhận thành công”. 

Bước 6: Sau khi đã hoàn tất thủ tục, Cơ quan tư pháp sẽ cấp bản chứng thực điện tử gửi về tài khoản dịch vụ công của người dân. Nhận được kết quả, cá nhân, tổ chức tải file về để sử dụng chứng thực điện tử trong các giao dịch cần thiết. 

Trường hợp chưa có tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia, kết quả chứng thực sẽ được Cơ quan tư pháp gửi đến địa chỉ thư điện tử do cá nhân, tổ chức cung cấp.

Trên đây là chia sẻ của luật sư về các quy định pháp luật về vấn đề “ Chứng thực điện tử là gì? Thủ tục chứng thực điện tử”. Hy vọng sẽ giúp quý vị và các bạn hiểu rõ hơn các quy định pháp luật về vấn đề này.

Quý vị và các bạn cần tư vấn pháp luật, sử dụng dịch vụ pháp lý vui lòng liên hệ với chúng tôi theo thông tin sau:

CÔNG TY LUẬT NHÂN HOÀ

Địa chỉ: 2 Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước, Tp. Thủ Đức, Tp. Hồ Chí Minh

Hotline: 0915.27.05.27

Email: luatsunhanhoa@gmail.com

Trân trọng!

 


Bài viết xem thêm