SỬ DỤNG LAO ĐỘNG CHƯA THÀNH NIÊN THÌ CÓ BỊ PHẠT KHÔNG?

1. Bao nhiêu tuổi thì được xem là lao động chưa thành niên?

Căn cứ theo Điều 143 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:

“Lao động chưa thành niên

1. Lao động chưa thành niên là người lao động chưa đủ 18 tuổi.

2. Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không được làm công việc hoặc làm việc ở nơi làm việc quy định tại Điều 147 của Bộ luật này.

3. Người từ đủ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi chỉ được làm công việc nhẹ theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.

4. Người chưa đủ 13 tuổi chỉ được làm các công việc theo quy định tại khoản 3 Điều 145 của Bộ luật này.”

Như vậy, lao động chưa thành niên là lao động trong độ tuổi chưa đủ 18 tuổi.

2. Mức xử phạt khi sử dụng lao động chưa thành niên:

Theo quy định pháp luật hiện nay khi sử dụng lao động chưa thành niên thì sẽ bị xử phạt như sau: có ba khung hình phạt 

- Khung hình phạt 1: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng khi người sử dụng lao động có hành vi không lập sổ theo dõi riêng hoặc có lập sổ theo dõi riêng nhưng không ghi đầy đủ nội dung (họ tên, ngày tháng năm sinh, công việc đang làm, kết quả những lần kiểm tra sức khỏe định kỳ) hoặc xuất trình khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu)

- Khung hình phạt 2: Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

+ Chưa có sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên mà đã sử dụng lao động chưa thành niên;

+ Khi người chưa đủ 15 tuổi làm việc mà người sử dụng lao động không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với họ và người đại diện theo pháp luật; bố trí thời giờ làm việc ảnh hưởng đến thời gian học tập của người chưa đủ 15 tuổi; không có giấy khám sức khỏe của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền xác nhận sức khỏe của người chưa đủ 15 tuổi phù hợp với công việc; không tổ chức kiểm tra sức khỏe định kỳ ít nhất 01 lần trong 06 tháng hoặc không bảo đảm điều kiện làm việc, an toàn, vệ sinh lao động phù hợp với lứa tuổi;

+ Sử dụng lao động chưa thành niên làm việc quá thời giờ làm việc.

+ Khi người chưa đủ 15 tuổi làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm;

+ Khi người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi làm thêm giờ hoặc làm việc vào ban đêm trong những nghề, công việc không được pháp luật cho phép.

- Khung hình phạt 3: Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

+ Chỉ được sử dụng người từ đủ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi làm công việc nhẹ theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành, nếu sử dụng ngoài danh mục ngành nghề này thì người sử dụng lao động sẽ bị xử phạt;

+ Khi sử dụng người chưa đủ 13 tuổi làm công việc ngoài danh mục được pháp luật cho phép (như công việc nghệ thuật, thể dục, thể thao nhưng không làm tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách) hoặc sử dụng người chưa đủ 13 tuổi làm công việc được pháp luật cho phép mà chưa được sự đồng ý của cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

+ Sử dụng người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi làm các công việc bị cấm hoặc làm việc tại nơi làm việc bị cấm theo quy định cụ thể tại Bộ luật Lao động nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trên đây, là mức phạt đối với người sử dụng lao động chưa thành niên là cá nhân. Được quy định tại Điều 29 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.

3. Sử dụng lao động chưa thành niên cần phải đảm bảo nguyên tắc nào?

Theo quy định tại Điều 144 Bộ luật Lao động 2019, khi sử dụng lao động chưa thành niên, người sử dụng lao động cần phải đảm bảo bốn nguyên tắc sau đây:

- Lao động chưa thành niên chỉ được những làm công việc phù hợp với sức khỏe của bản thân, đúng số tuổi để bảo đảm sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách.

- Khi sử dụng lao động chưa thành niên thì người sử dụng lao động phải có trách nhiệm quan tâm, chăm sóc người lao động về nhiều mặt lao động, bên cạnh đó cũng cần để ý đến sức khỏe, học tập trong quá trình lao động.

- Người sử dụng lao động khi sử dụng lao động chưa thành niên phải có sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ; lập sổ theo dõi riêng, ghi đầy đủ họ tên, ngày tháng năm sinh, công việc đang làm, kết quả những lần kiểm tra sức khỏe định kỳ và xuất trình khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.

- Ngoài ra, còn phải tạo cơ hội, điều kiện để lao động chưa thành niên được học văn hóa, giáo dục nghề nghiệp, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.

Trên đây là tư vấn của luật sư đối với vấn đề “Sử dụng lao động chưa thành niên có bị phạt không”. Hy vọng sẽ cung cấp những thông tin pháp lý hữu ích cho quý vị và các bạn.

Quý vị và các bạn có nhu cầu tư vấn pháp lý về dân sự, lao động, hôn nhân, thừa kế, nhà đất, giải quyết tranh chấp đất đai,tranh chấp tài sản khi ly hôn... có thể liên hệ chúng tôi theo thông tin dưới đây:

CÔNG TY LUẬT NHÂN HÒA

Địa chỉ: 2 Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước, Tp. Thủ Đức, Tp.HCM

Hotline: 0915.27.05.27

Email: luatsunhanhoa@gmail.com

Trân trọng!

 


Bài viết xem thêm