Tóm tắt câu hỏi:
Sau khi chị tôi và anh rể tôi kết hôn thì được bố mẹ tôi cho một căn nhà. Căn nhà này đã được đứng tên hai vợ chồng chị tôi. Sau đó, do chị tôi bị bệnh nặng nên đã về nhà ba mẹ ruột ở, thời gian này anh rể cũng có quen với người phụ nữ khác nên đến tháng 8/2018 hai người đã ly hôn. Tòa án giải quyết căn nhà này chia đôi vì là tài sản chung của hai vợ chồng. Tuy nhiên, thực tế là từ đó đến nay anh rể tôi vẫn ở trong căn nhà đó chứ chưa phân chia gì. Giờ chị tôi muốn bán phần nhà thuộc sở hữu của mình để chữa bệnh và nuôi con nhưng anh rể tôi luôn cản trở không cho chị tôi bán bằng việc nâng giá nhà cao lên để không ai mua được. Vậy trong trường hợp này chị tôi phải làm gì? Mong luật sư hướng dẫn.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty Luật Nhân Hòa. Với thắc mắc của bạn, chúng tôi xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Trường hợp của bạn, bạn không nêu rõ về thông tin tài sản chung là căn nhà của hai vợ chồng chị gái bạn cũng như hình thức phân chia tài sản chung của Tòa án áp dụng cho vợ chồng chị gái bạn là chia hiện vật hay chia theo giá trị tài sản. Tuy nhiên từ những thông tin bạn cung cấp, mặc dù Tòa án đã phân chia tài sản chung là chia đôi, nhưng trên thực tế hai người vẫn chưa phân chia, người đang sử dụng trực tiếp với tài sản chung này là anh rể bạn nên tài sản này trên thực tế đang là tài sản chung theo phần của hai người mà mỗi người có quyền sở hữu một nửa với tài sản này.
Bộ luật Dân sự 2005 quy định về quyền định đoạt đối với tài sản chung và phân chia tài sản chung như sau:
"Điều 223. Định đoạt tài sản chung
1. Mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền định đoạt phần quyền sở hữu của mình theo thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật.
2. Việc định đoạt tài sản chung hợp nhất được thực hiện theo thoả thuận của các chủ sở hữu chung hoặc theo quy định của pháp luật.
3. Trong trường hợp một chủ sở hữu chung bán phần quyền sở hữu của mình thì chủ sở hữu chung khác được quyền ưu tiên mua. Trong thời hạn ba tháng đối với tài sản chung là bất động sản, một tháng đối với tài sản chung là động sản, kể từ ngày các chủ sở hữu chung khác nhận được thông báo về việc bán và các điều kiện bán mà không có chủ sở hữu chung nào mua thì chủ sở hữu đó được quyền bán cho người khác.
Trong trường hợp bán phần quyền sở hữu mà có sự vi phạm về quyền ưu tiên mua thì trong thời hạn ba tháng, kể từ ngày phát hiện có sự vi phạm về quyền ưu tiên mua, chủ sở hữu chung theo phần trong số các chủ sở hữu chung có quyền yêu cầu Toà án chuyển sang cho mình quyền và nghĩa vụ của người mua; bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường thiệt hại.
4. Trong trường hợp một trong các chủ sở hữu chung từ bỏ phần quyền sở hữu của mình hoặc khi người này chết mà không có người thừa kế thì phần quyền sở hữu đó thuộc Nhà nước, trừ trường hợp sở hữu chung của cộng đồng thì thuộc sở hữu chung của các chủ sở hữu chung còn lại.
Điều 224. Chia tài sản thuộc hình thức sở hữu chung
1. Trong trường hợp sở hữu chung có thể phân chia thì mỗi chủ sở hữu chung đều có quyền yêu cầu chia tài sản chung; nếu các chủ sở hữu chung đã thoả thuận không phân chia tài sản chung trong một thời hạn thì mỗi chủ sở hữu chung chỉ có quyền yêu cầu chia tài sản chung khi hết thời hạn đó; khi tài sản chung không thể chia được bằng hiện vật thì được trị giá thành tiền để chia.
2. Trong trường hợp có người yêu cầu một người trong số các chủ sở hữu chung thực hiện nghĩa vụ thanh toán khi người đó không có tài sản riêng hoặc tài sản riêng không đủ để thanh toán thì người yêu cầu có quyền yêu cầu chia tài sản chung để nhận tiền thanh toán và được tham gia vào việc chia tài sản chung, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Nếu không thể chia phần quyền sở hữu bằng hiện vật hoặc việc chia này bị các chủ sở hữu chung còn lại phản đối thì người có quyền có quyền yêu cầu người có nghĩa vụ bán phần quyền sở hữu của mình để thực hiện nghĩa vụ thanh toán."
Như vậy, khi chị gái bạn có nhu cầu muốn bán nhà thì chị gái bạn có quyền định đoạt đối với một nửa căn nhà, tuy nhiên phải ưu tiên cho anh rể bạn có quyền mua lại, sau thời gian 3 tháng thông báo có nhu cầu bán mà anh rể bạn không mua thì chị gái bạn có quyền bán cho người khác.
Tuy nhiên căn nhà chỉ có thể bán cho người khác được khi nó đủ điều kiện để tách thửa, phân chia căn nhà ra làm đôi theo phần mỗi người được chia. Nếu căn nhà không đủ điều kiện để chia tách ra theo phần thì căn cứ vào khoản 1 Điều 224 nêu trên thì phải chia căn nhà ra giá trị tiền để hoàn trả cho bên không nhận nhà. Nếu hai anh chị bạn không thể tự thỏa thuận được cách chia căn nhà và định đoạt nhà thì có thể khởi kiện ra Tòa án để xác định hình thức phân chia lại tài sản chung này. Bên có công sức đóng góp, gìn giữ, tôn tạo tài sản và đang trực tiếp ở trong căn nhà này có quyền ưu tiên mua hơn, nếu hai bên đều không có điều kiện để trả lại phần tiền thuộc sở hữu của bên kia thì có thể thỏa thuận bán căn nhà này. Nếu không thỏa thuận được về giá thì có thể yêu cầu một tổ chức độc lập có chứa năng giám định để giám định giá trị tài sản trên.
Trên đây là một số chia sẻ của Luật sư, mọi yêu cầu hỗ trợ quý vị hãy liên hệ tổng đài tư vấn pháp luật 0915.27.05.27 của chúng tôi. Công ty luật Nhân Hòa chuyên dịch vụ luật sư uy tín, tin cậy đảm bảo giải quyết mọi vướng mắc bạn gặp phải.
Công ty Luật Nhân Hòa
Địa chỉ: 02 Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, Tp.HCM
Email: luatsunhanhoa@gmail.com
Hotline: 0915. 27.05.27
Trân trọng!