Cùng với sự phát triển của xã hội thì chất lượng đời sống của người dân cũng ngày càng được cải thiện hơn. Từ đó, chính sách của Nhà nước về an sinh xã hội cũng ngày càng được chú trọng.
Hiện nay ở Việt Nam, chính sách Bảo hiểm xã hội có vai trò đặc biệt quan trọng trong trợ giúp và bảo vệ đảm quyền lợi cho người lao động khi họ phải đối mặt với vấn đề bị giảm hoặc mất thu nhập vì các yếu tố sức khỏe, thất nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết. Một trong những mục đích mà người tham gia bảo hiểm xã hội hướng tới chính là chế độ hưu trí nhằm đảm bảo ổn định cuộc sống khi họ hết tuổi lao động hoặc không còn khả năng lao động. Tuy nhiên, bên cạnh đó, nếu như vì một lý do nào đó mà người lao động không thể đạt được mục đích này pháp luật cũng cho phép họ có thể rút bảo hiểm xã hội một lần đối với những khoản tiền mà họ đã đóng trong quá trình tham gia bảo hiểm xã hội. Như vậy, người tham gia bảo hiểm xã hội có thể được rút bảo hiểm xã hội trong trường hợp nào? Việc tính tiền bảo hiểm xã hội một lần cho người tham gia bảo hiểm xã hội được xác định dựa trên căn cứ nào?
Qua bài viết này, Luật Nhân Hòa sẽ cùng quý bạn đọc tìm hiểu quy định của pháp luật hiện hành về vấn đề này.
Thứ nhất, điều kiện để được rút bảo hiểm xã hội một lần theo quy định của pháp luật.
Theo quy định tại Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 (Hướng dẫn tại Điều 8 Nghị định 115/2015/NĐ-CP) người lao động khi tham gia bảo hiểm xã hội chỉ cần đảm bảo đủ điều kiện có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 20 năm trở lên và đủ độ tuổi theo quy định sẽ được hưởng lương hưu. Tuy nhiên, trên thực tế cho thấy, không phải trường hợp nào người lao động cũng có thể đợi cho mình có đủ điều kiện để hưởng lương hưu. Để đảm bảo người lao động có thể được hỗ trợ tốt nhất trong một số trường hợp đặc thù, pháp luật cũng ghi nhận họ có thể rút bảo hiểm xã hội một lần nếu đủ điều kiện. Cụ thể theo quy định tại Khoản 1 Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, người lao động được rút bảo hiểm xã hội một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
– Người lao động đã đủ tuổi để hưởng lương hưu nhưng lại chưa đáp ứng được đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội: Theo quy định, thời gian đóng bảo hiểm xã hội được coi là đủ điều kiện theo phải là từ đủ 20 năm trở lên. Riêng trong trường hợp người đóng là lao động nữ công tác tại cấp xã với vai trò hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách phải đảm bảo đủ thời gian tối thiểu đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội.
– Người lao động không còn sinh sống ở Việt Nam mà đi định cư ở nước ngoài.
– Người tham gia bảo hiểm xã hội bị mắc phải những bệnh được đánh giá là nguy hiểm đến tính mạng theo hướng dẫn tại Điều 4 Thông tư 56/2017/TT-BYT như sau:
+ Người tham gia bảo hiểm xã hội bị nhiễm HIV đã chuyển sang AIDS hoặc mắc các bệnh hiểm nghèo như các bệnh về ung thư, xơ gan cổ chướng, bại liệt, phong, lao nặng
+ Người tham gia bảo hiểm mắc những bệnh hiểm nghèo khác hoặc khuyết tật có khả khả năng lao động, khuyết tật từ 81 % trở lên.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, người tham gia bảo hiểm xã hội khi mắc phải những bệnh này phải đồng thời lâm vào tình trạng không thể tự mình kiểm soát cũng như thực hiện được các hoat động sinh hoạt cá nhân, phải có sự trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn từ người khác. (Ví dụ: đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn)
– Trường hợp người lao động làm việc trong quân đội, công an khi xuất ngũ, thôi việc hoặc phục viên nhưng chưa đủ điều kiện để hưởng lương hưu, bao gồm các sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ, học viên, cơ yếu,…
– Ngoài ra, nếu trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội do nhu cầu cá nhân muốn hưởng bảo hiểm xã hội một lần bắt buộc phải đảm bảo điều kiện có tối thiểu một năm không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội.
Thứ hai, căn cứ tính bảo hiểm xã hội một lần cho người tham gia bảo hiểm.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, Hướng dẫn tại Điều 8 Nghị định 115/2015/NĐ-CP mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính theo công thức như sau:
Bảo hiểm xã hội một lần = Hệ số (1) x Số tháng tương ứng số năm đã đóng bảo hiểm xã hội (2) x Bình quân tiền lương hoặc thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội (3)
Trong đó:
(1) Hệ số: Hệ số dùng để làm căn cứ tính bảo hiểm xã hội một lần được xác định là 1,5 đối với các năm đóng bảo hiểm trước 2014, riêng các năm đóng từ 2014 trở đi phải nhân với hệ số 2.
(2) Số năm đóng bảo hiểm xã hội làm căn cứ xác định số tháng để tính bảo hiểm xã hội một lần như sau:
– Trường hợp có thời gian đóng bảo hiểm từ một năm trở lên thì cứ mỗi năm sẽ tương ứng với một tháng tiền lương hoặc thu nhập bình quân dùng để đóng bảo hiểm. Những tháng lẻ đóng trước ngày 1 tháng 1 năm 2014 sẽ được chuyển sang sau năm 2014 để làm căn cứ tính. Nếu trường hợp phát sinh tháng lẻ sẽ được làm tròn thành nửa năm (nếu lẻ từ 01 tháng đến 06 tháng) hoặc làm tròn một năm (nếu có tháng lẻ từ 07 tháng đến 11 tháng)
– Nếu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội chưa đủ một năm thì khi rút bảo hiểm xã hội, mức hưởng chỉ được tính bằng 22% của các mức tiền lương tháng đã đóng bảo hiểm xã hội nhưng tối đa không quá 2 tháng bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
(3) Bình quân tiền lương hoặc thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội:
Mức bình quân tiền lương hoặc thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội làm căn cứ để tính tiền rút bảo hiểm xã hội một lần được xác định theo công thức chung như sau:
Bình quân tiền lương = Tổng số tiền lương hoặc thu nhập các tháng đóng bảo hiểm xã hội : Tổng số tháng đóng bảo hiểm xã hội
– Đối với trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội là người lao động theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định:
Thời gian đóng bảo hiểm xã hội để làm căn cứ tính bình quân tiền lương được xác định theo thời điểm mà người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội, cụ thể:
+ Nếu người lao động tham gia bảo hiểm từ trước 1/1/1995: Thời gian để làm căn cứ tính được xác định là 5 năm cuối (60 tháng) trước khi nghỉ việc.
+ Đối với người lao động gia bảo hiểm xã hội trong thời gian từ 1/1/1995 đến ngày 31/12/2000: Thời gian làm cơ sở để tính bình quân tiền lương là 6 năm cuối (72 tháng) trước khi nghỉ việc.
+ Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội trong thời gian từ 1/1/2001 đến 31/12/2006: Thời gian để tính bình quân tiền lương của người lao động là 8 năm (96 tháng) cuối trước khi nghỉ việc.
+ Nếu thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ ngày 01 /1/2007 đến ngày 31/12/2015: Cơ sở để tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm là 10 năm (120 tháng) cuối trước khi nghỉ việc
+ Đối với người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 1/1/2016 đến ngày 31/12/2019: Căn cứ tính được xác định là 15 năm (180tháng) cuối trước khi nghỉ việc
+ Đối với người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/12/2024: tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 20 năm (240tháng) cuối trước khi nghỉ việc
+ Trường hợp nếu người lao động tham gia bảo hiểm từ ngày 1/1/2025 thì tiền lương bình quân được tính trên cơ sở toàn bộ thời gian đóng.
– Đối với trường hợp người lao động tham gia lao động có chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định:
Cơ sở để tính bình quân tiền lương trong trường hợp này là toàn bộ thời gian mà người lao động đã tham gia đóng bảo hiểm xã hội.
– Đối với trường hợp người lao động có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội gồm cả hai chế độ tiền lương do Nhà nước và người sử dụng lao động quyết định:
Bình quân tiền lương tháng dùng để đóng bảo hiểm xã hội sẽ được tính bao gồm cả số thời gian đóng bảo hiểm xã hội của cả hai loại chế độ như trên.
Lưu ý:
– Trong trường hợp người yêu cầu tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, trong đó có sự hỗ trợ đóng của Nhà nước thì khi yêu cầu hưởng bảo hiểm xã hội một lần, mức hưởng của họ sẽ không bao gồm số tiền mà Nhà nước đã đóng hộ cho họ, trừ trường hợp người này rút bảo hiểm một lần do mắc các bệnh lý hiểm nghèo theo quy định.
– Tiền lương đóng bảo hiểm xã hội để làm căn cứ tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm được nhân với hệ số điều chỉnh theo từng năm theo quy định.
Trên đây là một số chia sẻ của Luật sư, mọi yêu cầu hỗ trợ quý vị hãy liên hệ tổng đài tư vấn pháp luật 0915.27.05.27 của chúng tôi. Công ty luật Nhân Hòa chuyên dịch vụ luật sư uy tín, tin cậy đảm bảo giải quyết mọi vướng mắc bạn gặp phải.
Quý khách vui lòng liên hệ với chúng tôi theo thông tin sau:
Công ty Luật Nhân Hòa
Địa chỉ: 02 Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, Tp.HCM
Email: luatsunhanhoa@gmail.com
Hotline: 0915. 27.05.27
Trân trọng!